8 năm để ngành ôtô VN gia nhập khu vực: “Đua” tiếp hay dừng?
CôngThương - Trong thời gian đó VN được gì, nếu xét về mặt phát triển ngành công nghiệp này ? Không nhiều. Vậy còn về mặt quyền lợi của người tiêu dùng mà cụ thể là về giá ? Càng ngày càng thấy phải mua xe đắt hơn.
Vậy, trong 8 năm còn lại, tính từ thời điểm này đến khi mức thuế cho nhiều dòng xe, trong đó quan trọng nhất là xe du lịch giảm đến mức rất thấp, có nhiều loại xuống còn 0 - 5% thì công nghiệp ôtô VN có đủ sức cạnh tranh hay không ? Khó, rất khó khi mà đến bây giờ mọi thứ chưa đâu vào đâu cả.
Chưa đâu vào đâu
Nói là ngành ôtô vì không chỉ riêng vấn đề công nghiệp, vấn đề chế tạo, sản xuất, lắp ráp mà bao hàm cả những vấn đề liên quan khác như giá cả, phương thức mua bán, hệ thống dịch vu... Những vấn đề liên quan này, VN đang thua xa, rất xa nhiều nước, nhất là những nước trong khu vực - được xem là Thái lan, Indonesia, Philippines. Nhiều khách hàng thậm chí còn cho rằng ôtô VN thua cả Lào, Campuchia. Điều này có vẻ đúng, nếu xét về mặt giá.
Có thể thấy cái sự chưa đâu vào đâu như nêu trên ở hai điểm quan trọng, mấu chốt:
Thứ nhất: Yếu tố thực tế. Phát triển lĩnh vực công nghiệp ôtô đa phần dựa vào yếu tố công nghệ. Công nghệ trong lắp ráp, tiến tới công nghệ sản xuất, chế tạo linh kiện phụ tùng. Các liên doanh đầu tư vào VN hơn 15 năm nay, nhưng đến bây giờ họ đang lắp ráp, sản xuất dựa trên công nghệ nào, có thường xuyên thay đổi hay không, thay đổi những cái gì, có phù hợp hay không...? Gần như rất ít người biết và đặc biệt là người tiêu dùng, đối tượng quan trọng nhất của sự phát triển ngành công nghiệp này luôn trong tình trạng mù tịt về những thông tin này. Đa phần họ chỉ biết những chiếc xe mình đang mua, đang sử dụng được sản xuất, lắp ráp trên hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại (như lời quảng bá của các DN ôtô), còn hiện đại đến đâu, cụ thể như thế nào thì chịu. Điều quan trọng là phải xác định cụ thể, chi tiết được hai từ hiện đại đó, hiện đại như thế nào, so sánh hiện đại đó trong khung thời gian bao lâu ? Một chuyên gia cho rằng đây là điểm mấu chốt vì liệu công nghệ sản xuất, lắp ráp, hệ thống thiết bị dây chuyền của những năm 80 - 90 thế kỷ trước cũng được xem là hiện đại. Vậy, trong trường hợp các DN có đầu tư mới, cải tiến thì cải tiến cái gì, theo công nghệ nào ? Thực tế, công nghệ chế tạo cũng như công nghệ sản xuất, lắp ráp ôtô của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã liên tục thay đổi trong thời gian qua, có khi là sự thay đổi hàng năm như công nghệ về xe chạy điện, xe chạy bằng hybrid, công nghệ xăng. Còn về lắp ráp, các nước dùng rôbốt với độ chính xác gần như tuyệt đối, hệ thống nối tiếp nhau thì các nhà máy ở VN đa phần vẫn dùng con người, theo từng công đoạn nhỏ lẻ...
Thứ hai: chưa xong chiến lược. Trước hết, các nhà quản lý phải làm rõ và công bố rộng rãi các vấn đề liên quan đến thực tế nêu trên. Điều này vừa giúp nhìn nhận thực tế của ngành công nghiệp, từ đó có những định hướng và giải pháp cụ thể, vừa giúp người tiêu dùng hiểu rõ họ đang được sử dụng sản phẩm dựa trên công nghệ nào, giúp quản lý được tính định hướng tiêu dùng.
Đó là việc làm trước khi các nhà quản lý cùng với DN bàn về một chiến lược phát triển dòng xe du lịch chiến lược. Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định: Muốn tìm kiếm một hướng đi mới, tạo ra một dòng xe chiến lược đủ sức cạnh tranh với các nước mà chỉ trong vòng 8 năm thôi (từ nay đến 2018) thì trước hết phải hiểu chính nội lực của mình, hiểu được ngành công nghiệp ôtô hiện nay, các DN ôtô hiện nay đang sử dụng hệ thống công nghệ, thiết bị nào, đủ sức sản xuất những mẫu xe gì...?
Cho dù khẳng định là rất quan trọng, rất gấp (cả DN và cơ quan quản lý đều nhận định như thế) nhưng cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cái gì gọi là cụ thể, vẫn đang xem xét. Thực ra cũng đã có một vài phương án, dự tính được đưa ra nhưng vẫn quá thiếu sức thuyết phục. Nghĩa là hiện vẫn chưa có chiến lược cho sự phát triển dòng xe du lịch chiến lược. Vậy thì bao giờ? Hãy chờ.
Quy tụ
Có một điểm mới mà chưa ai nhắc đến trong vấn đề phát triển dòng xe này là địa điểm. Một số DN cho biết nếu đã có dòng xe chiến lược thì phải có địa điểm cho nó, phải có địa điểm chiến lược. Khác với nhiều nước, các DN sản xuất, lắp ráp ôtô của VN được phân bố, đặt địa điểm khắp nơi trên mọi miền đất nước với quy mô nhỏ, manh mún, chả nơi nào hơn nơi nào. Sài Gòn có nhà máy ôtô, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... đều tồn tại những nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô. Trong khi đó, ở một số nước như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc... đều có những khu vực chuyên về sản xuất, lắp ráp ôtô quy mô lớn, ở xa thành phố, quy tụ nhiều hãng xe, nhà sản xuất. Những ai đã từng có mặt ở những khu vực này đều dễ dàng nhìn nhận sự chuyên nghiệp trong phát triển công nghiệp ôtô của các nước này. Đây cũng là điểm khác biệt giữa VN và các nước trong khu vực và rõ ràng về vấn đề này VN đang thua họ. Ngoài những khu vực sản xuất quy mô lớn, gắn với vấn đề sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Nếu muốn ngành công nghiệp ôtô phát triển, muốn tạo ra được những dòng xe, mẫu xe du lịch chiến lược, có đủ sức cạnh tranh thì bắt buộc phải lựa chọn được một hoặc vài địa điểm mang tính chiến lược. Liệu điều này có thực hiện được ? Khó, nhưng có thể.
Khó ở chỗ là chính các DN hiện nay đang đầu tư ở nhiều địa điểm khác nhau và nếu tạo lập ra một khu vực như vậy liệu họ có chấp thuận vào hay không ? Họ sẽ không bao giờ vào nếu như không có những cơ chế ưu tiên, ưu đãi cực kỳ hấp dẫn. Dễ ở chỗ hiện đã và đang tồn tại một vài địa điểm như vậy mà rõ nét nhất là khu liên hiệp sản xuất ôtô Chu Lai - Trường Hải với quy mô hiện tại hơn 320 ha và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại sao lại nhắc đến địa điểm này. Việc ra đời khu liên hợp này dù là do DN thực hiện, nhưng đã được tính toán nhằm mục đích phát triển lâu dài. Điều đáng quan tâm là hiện nay, khu liên hợp này đã được phân định rõ ràng khu sản xuất, khu lắp ráp, khu chế tạo linh kiện phụ tùng, khu nghiên cứu, các trường đào tạo. Chính vì vậy, hiện đây là nơi hội tụ nhiều nhà sản xuất, linh kiện phụ tùng, các nhà phụ trợ và điều này đang tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Chỉ còn 8 năm nữa để lĩnh vực ôtô, các DN ôtô VN chạy đua với cuộc cạnh tranh mà trong cuộc cạnh tranh này VN đang ở thế yếu. Có nên “đua” hay không ? “Đua” thế nào ? Làm sao để tồn tại và cạnh tranh được chứ chưa nói đến chiến thắng ? Câu trả lời đến từ chính những nhà hoạch định chiến lược giải pháp, các nhà quản lý.