Đường cát lậu ‘lũng đoạn’ thị trường nội địa

Quy mô buôn lậu đường ngày càng lớn
 
Đã nhiều năm qua, người dân tại các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia đã quen với cảnh những bao tải đường in chữ Thái Lan được vận chuyển tấp nập ngày đêm vào nước ta bằng cả đường bộ và đường sông.
 
Mới đây nhất, ngày 31/10, tổ công tác của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74, Bộ Công an), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46-Công an TPHCM) và Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) phát hiện xe tải BKS 51C-44427 do Nguyễn Việt Xuân điều khiển và xe BKS 67C-02456 do Nguyễn Văn Danh (đều ngụ tại tỉnh An Giang) điều khiển đang vận chuyển hàng hóa vào bãi xe tại địa chỉ 10/29 ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
 
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hai xe chở tất cả 660 bao tải đường cát, tổng trọng lượng 33 tấn.
 
Làm việc với cơ quan công an, lái xe xuất trình giấy tờ không trùng khớp với số lượng hàng hóa, đồng thời, hàng hóa không có nhãn hiệu, nên cơ quan chức năng lập biên bản, tạm giữ đối tượng và tang vật.
 
Vào giữa tháng 8 vừa qua, khi kiểm tra một số kho đường, Công an tỉnh An Giang cũng phát hiện và thu giữ hơn 80 tấn đường cát không hóa đơn chứng từ. Các đối tượng khai nhận, toàn bộ số đường trên là đường cát Thái Lan được vận chuyển bằng đường thủy từ Campuchia về Việt Nam.
 
Tương tự, 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ được khoảng 80 tấn đường các loại, trong đó có nhiều vụ vận chuyển bằng xe tải với mỗi vụ hàng chục tấn. Còn tại tỉnh An Giang đã bắt giữ trên 350 tấn đường các loại, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015.
 
Các bao đường Thái Lan được sang chiết, thay đổi bằng vỏ bao không nhãn mác hoặc vỏ bao đường nội trước khi chuyển xuống ghe vận chuyển về các kho chứa.


Đường lậu bán công khai, đội lốt đường nội
 
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam rất lớn, khoảng 400.000-500.000 tấn mỗi năm.
 
Mặc dù lực lượng tuần tra và những chốt chặn được lập ra tại nhiều nơi, nhưng vẫn không đủ sức để kiểm tra, bắt giữ đường lậu xâm nhập. Nguyên nhân khiến cho tình trạng buôn lậu đường từ Thái Lan, Campuchia ngày càng tăng với số lượng lớn là do có sự chênh lệch khá cao giữa giá đường sản xuất trong nước và đường nhập lậu.
 
Trong khi đường sản xuất trong nước có giá bán 22.000 đồng/kg, thì đường cát lậu chỉ ở mức 16.000 đồng/kg. Nếu trót lọt, đối tượng buôn lậu lãi từ 4.000-5.000 đồng/kg đường.
 
Cũng chính vì sự chênh lệch giá khá lớn này, mà người dân, dù biết là đường lậu, vẫn sẵn sàng mua về sử dụng.
 
Tại Trung tâm Thương mại Cái Khế (TP. Cần Thơ), cũng như nhiều chợ khác ở Nam Bộ, đường cát không nhãn mác, không xuất xứ luôn chiếm lĩnh trên các sạp hàng của tiểu thương. Thậm chí, người bán còn giới thiệu, hướng người tiêu dùng mua mặt hàng này và khẳng định luôn nguồn gốc là hàng lậu nên giá rẻ.
 
Ngoài bày bán công khai, đường lậu còn được dân buôn lậu và các tiểu thương dùng bao bì thương hiệu Việt để “ngụy trang” nhằm qua mắt cơ quan chức năng và người tiêu dùng thông thái, khó tính.  
 
Các đối tượng buôn lậu đường cát thường thu mua bao bì cũ hoặc bao bì trắng mang qua biên giới để thay thế bao bì đường Thái Lan trước khi vận chuyển về nước, kèm theo đó là tờ hóa đơn cũ mua đường hóa giá trong nước để hợp thức hóa những lô đường lậu.
 
Với thủ đoạn này, việc xác minh hàng lậu hay hàng sản xuất trong nước của cơ quan chức năng sẽ kéo dài hơn và các đối tượng buôn lậu đường sẽ có nhiều thời gian để đối phó, hợp thức hoá chứng từ. Một ví dụ cụ thể là vụ 121 bao đường lậu bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (Cục Hải quan An Giang bắt giữ) đều mang nhãn hiệu của 10 công ty đường trong nước, nên việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn.
 
Tinh vi không kém, dân buôn lậu và không ít các cơ sở còn hô biến đường cát nhập lậu thành đường phèn bằng cách nấu đường cát lại thành cục và bán khoảng 17.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa giá thị trường.
 
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, tỉnh An Giang, hiện có 4 cơ sở nấu đường phèn nằm cặp tuyến biên giới. Mỗi ngày, hàng chục tấn đường cát ngoại được các cơ sở này hô biến thành đường phèn.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng buôn lậu đường diễn biến ngày càng phức tạp này đe dọa rất lớn tới ngành sản xuất đường trong nước.
 
Sự lấn át của đường nhập lậu khiến giá mía, giá đường của vùng ĐBSCL liên tục giảm mạnh. Diện tích trồng mía thu hẹp khoảng 6.000 ha, dẫn tới tình trạng một số nhà máy đường dù đã được đầu tư hàng chục triệu USD bỗng thành hoang phế do thiếu nguyên liệu.