12 dự án "nghìn tỷ" yếu kém: Một phần do quá chú trọng doanh nghiệp Nhà nước
Tham dự hội thảo “Mô hình quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại Việt Nam” vừa tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải sớm tách chức năng sở hữu và quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Hiện có hai mô hình đang được đưa ra lựa chọn. Nếu như theo mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ thành lập một cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Còn nếu theo mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm nhiệm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo TS Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), mục tiêu phân tách giữa “chính và doanh”: phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh nên là mục tiêu hàng đầu khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý DNNN, nhất là đối với các DNNN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam thì cho rằng, khó có một mô hình nào đáp ứng được đa mục tiêu: vừa muốn nâng cao hiệu quả quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh, lại vừa muốn đơn giản hóa thủ tục, nhưng vẫn muốn giữ vai trò điều hành DNNN như một công cụ chính trị.
Với mô hình doanh nghiệp thì lợi ích lớn nhất sẽ là tập trung và tối đa hóa được lợi ích cổ đông, Nhà nước cũng chỉ đóng vai trò là một cổ đông trong DN. Còn mô hình cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ giữ được mục tiêu chính trị.
Vị chuyên gia đánh giá, thời gian vừa qua, do quá chú trọng đến việc sử dụng DNNN để điều tiết kinh tế vĩ mô nên phần nào đã dẫn đến hậu quả 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, yếu kém trong ngành công thương.
Góp ý về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nêu quan điểm rằng, cơ quan quản lý vốn Nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, nhằm hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào doanh nghiệp; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp...
Còn theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Chủ nhiệm Khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có một mô hình tổ chức nào quản lý vốn Nhà nước đáp ứng được yêu cầu, kể cả SCIC. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại DNNN còn kém hiệu quả.
Ngay cả hai mô hình được đề xuất, theo ông Nghiệp, mỗi mô hình đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Vấn đề đặt ra là việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam. Mô hình mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý.