2 phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu từ 1/8

2 phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu từ 1/8

Theo đó, từ ngày 1/8/2011, sẽ áp dụng 2 phương pháp tính giá sàn gạo xuất khẩu là phương pháp chi phí và phương pháp khấu trừ. 

Đối với phương pháp chi phí, căn cứ để tính giá  gồm: Giá vốn gạo xuất khẩu bình quân của tất cả các tiêu chuẩn, phẩm cấp gạo của các thương nhân xuất khẩu gạo; mức lợi nhuận bình quân dự kiến của ngành kinh doanh xuất khẩu gạo; chính sách xuất khẩu gạo và các chính sách liên quan đến xuất khẩu gạo của Nhà nước trong từng thời kỳ.

 

Theo phương pháp chi phí, giá sàn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo được xác định bằng: Giá vốn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo (VNĐ, USD/tấn) + Lợi nhuận dự kiến + Các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật. 

Với phương pháp thứ 2 là phương pháp khấu trừ, giá sàn gạo xuất khẩu bình quân theo từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo được xác định bằng: Giá gạo trên thị trường thế giới của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo (USD/tấn) - Tổng chi phí thực hiện đưa sản phẩm từ cảng xuất khẩu đến cảng nhập khẩu (USD/tấn). 

 

Nguyên tắc xác định giá sàn gạo xuất khẩu là phải phù hợp với quan hệ cung cầu, diễn biến của giá thóc, gạo ở thị trường trong nước và giá gạo theo từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo mà các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giao dịch trên thị trường thế giới. Ngoài ra, còn phải bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh gạo xuất khẩu thực tế hợp lý, bảo đảm hiệu quả kinh doanh của các thương nhân xuất khẩu gạo.

 

Bộ Tài chính cũng quy định, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả tính toán giá sàn gạo xuất khẩu của các thương nhân xuất khẩu gạo và công bố giá sàn gạo xuất khẩu ngay từ đầu vụ, để làm cơ sở cho các thương nhân ký kết và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.