2011 – Năm của những điều chưa từng có tiền lệ
Năm 2011 có thể là năm không phải tốt nhất. Tuy nhiên nói đến năm 2011, người ta có cả điều tuyệt vời nhất, điều vĩ đại nhất và điều tồi tệ nhất. Năm 2011 cũng chứng kiến hàng loạt sự việc chưa từng có tiền lệ, ít nhất trong một thập kỷ.
Niềm hy vọng về sự dân chủ lan rộng khắp khu vực Trung Đông, phụ nữ đạt được nhiều thành tựu mới và hoạt động đầu tư vào năng lượng thay thế lên đỉnh cao mới. Cùng lúc đó, thảm họa thiên nhiên gây ra nhiều hậu quả tồi tệ còn thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh hơn bao giờ hết. Hãy hy vọng vào một năm 2012 sáng sủa hơn.
Mùa xuân Arập bùng nổ tại thế giới các nước Trung Đông, Bắc Phi
Hàng thập kỷ cai trị độc quyền đã dẫn đến các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra. “Mùa xuân Arập bắt đầu tại Tunisia sau khi một người bán rau bị cảnh sát đàn áp vô lý đã tự châm lửa đốt. Phải mất 1 tháng người biểu tình mới có thể lật đổ được cựu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali.
Cuối tháng 1/2011, đám đông người biểu tình đổ xô ra quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập và lật đổ chính phủ của Hosni Mubarak. Lãnh đạo Libya, ông Muammar Qaddafi đã chọn cách chiến tranh chống lại NATO và lực lượng nổi dậy, cuối cùng ông thất bại và bị bắt giữ vào ngày 20/10/2011. Lãnh đạo Abdullah Saleh đấu tranh đến cùng, ông thỏa hiệp và chiến đầu cho đến tận khi chính phủ nhiều nước vùng Vịnh khác gây áp lực buộc ông chuyển giao quyền lực vào ngày 23/11/2011.
Phụ nữ Arập Saudi có thể đi bỏ phiếu
Phụ nữ Arập Saudi có thể đi bỏ phiếu từ năm 2015 nếu họ có thể nhờ được một người đàn ông đưa họ đến điểm bỏ phiếu. Dù thông báo của nhà vua Arập Saudi có thể không khiến người phương Tây ngạc nhiên nhưng trong bối cảnh của Arập Saudi, người ta coi nó như sự kiện động trời.
Hiện nay phụ nữ tại Arập Saudi bị đối xử phân biệt tại các nhà hàng và trường học, họ chỉ có thể làm việc trong bộ phận kinh doanh chỉ nếu công ty đó chuyên kinh doanh sản phẩm phục vụ riêng cho phái nữ.
Trước đây, khi phụ nữ tại Arập biểu tình để chống lại quy định cấm lái xe, một số người đã bị bắt và phạt roi. Vua Arập Saudi đã thay đổi quy định cấm đó và dường như đang cố gắng đưa phụ nữ trở lại lực lượng lao động cũng như giúp Arập Saudi có nhiều tiến bộ mới.
Thái Lan có nữ Thủ tướng lần đầu tiên trong lịch sử
Mùa hè vừa qua, người Thái Lan đã bầu lên nữ Thủ tướng đầu tiên. Bà Yingluck Shinawatra năm nay 44 tuổi, bà có rất ít kinh nghiệm chính trị, người ta quan tâm đến bà một phần lớn bởi bà là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cho đến nay, con đường chính trị của bà khá suôn sẽ bất chấp việc anh trai bà bị cáo buộc tham nhũng, bị lật đổ sau cuộc binh biến và buộc phải rời khỏi Thái Lan năm 2006.
Công dân Thái đang chờ xem bà sẽ lèo lái đất nước và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của anh trai như thế nào. Và họ còn quan tâm đến việc nữ Thủ tướng sẽ thực hiện cam kết khi tranh cử bao gồm nâng lương tối thiểu và giá gạo xuất khẩu cho nông dân Thái Lan như thế nào.
Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh ngôi vương trong ngành sản xuất thế giới
Năm 2010, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc vượt qua Mỹ đứng đầu thế giới lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ngành sản xuất Trung Quốc đóng góp tới 2 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong khi đó tại Mỹ, ngành sản xuất góp 1,95 nghìn tỷ USD vào kinh tế Mỹ. Suy thoái kinh tế tác động xấu đến ngành sản xuất Mỹ, ngành sản xuất Trung Quốc cũng khó khăn. Đến cuối năm 2011, việc kinh tế toàn cầu đi xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, vì vậy lĩnh vực sản xuất Trung Quốc và Mỹ sẽ lại cạnh tranh nhau ngôi vị đứng đầu vào năm 2012.
Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đứng đầu thế giới
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường di động đứng đầu thế giới với khoảng hơn 950 triệu thuê bao không dây, cao gấp 3 lần con số 300 triệu tại Mỹ. Đến quý 3/2011, Trung Quốc trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tính theo số lượng. Trung Quốc đứng đầu với 23,9 triệu điện thoại thông minh được bán ra còn con số này tại Mỹ đạt 23,3 triệu. Doanh số bán điện thoại thông minh tại Mỹ chững lại ở thời điểm giữa năm nhiều khả năng bởi người tiêu dùng chờ đợi iPhone 4S, đến quý 4/2011 điện thoại này mới được tung ra thị trường.
Apple tạm thời trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới
Tháng 8/2011, giá trị thị trường của Apple ở mức 337,2 tỷ USD, vượt qua Exxon Mobil lần đầu tiên và trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Một công ty công nghệ khác từng có được danh hiệu này là Cisco Systems, hiện có giá trị khoảng 99 tỷ USD. Apple đã vươn lên vị trí đứng đầu sau 14 năm chuyển mình từ một công ty sản xuất máy tính cá nhân sang một công ty bán nhiều sản phẩm đa dạng, từ điện thoại thông minh cho đến nhạc số. Theo nhận xét của người đồng sáng lập Steve Jobs, những gì Apple có hiện nay không hề tệ neeys so với một công ty đã kề cận bờ vực phá sản.
Thái Lan chịu lũ lụt lớn chưa từng có trong 60 năm
Mưa lớn tại miền Bắc Thái Lan đã khiến mực nước tại sông Phraya lên mức cao chưa từng thấy tính từ năm 1942, lũ lụt tại Thái Lan kéo dài nhiều tháng liên tiếp. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà, nhà máy tại Bangkok và khu vực phụ cận. Hoạt động sản xuất của hãng xe lớn nhất thế giới, Toyota, mới chỉ hồi phục sau động đất và sóng thần tại Nhật vào tháng 3/2011 lại chịu tác động nặng nề khi sản xuất tại Thái Lan bị đình đốn. Ngay cả cung điện hoàng gia Thái Lan ở Bangkok cũng không thể tránh khỏi tác động nặng nề của lũ lụt.
Thảm họa Chernobyl trở lại?
Động đất tại Nhật ngày 11/03/2011 với cường độ 9 độ richte đã gây ra thiệt hại mà ít người ngờ đến. Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15 nghìn người. Sóng thần phá hủy hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thế giới đối đầu với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất tính từ thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm. Ngoài thiệt hại về người, hơn 100 nghìn người dân tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã buộc phải di cư. Chính phủ Nhật công bố thời gian dọn dẹp đống tàn tích của sóng thần có thể mất tới 40 năm.
Nước Mỹ mất 50 tỷ USD vì thảm họa thiên nhiên
Năm vừa qua, nước Mỹ hứng chịu ít nhất 12 thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại tối thiểu 1 tỷ USD và thiệt hại người nghiêm trọng. Có vài thảm họa thiên nhiên còn gây ra nhiều thiệu hại hơn thế, hiện nay, bang Texas vẫn phải chịu hạn hán. Tổng số cơn bảo gây thiệt hại tỷ USD lên tới hơn 14, tổng thiệt hại tài chính từ thảm họa thiên nhiên lên tới 50 tỷ USD. Mức thiệt hại trên cao hơn nhiều so với con số của năm 2008. Suốt từ năm 1970, các thảm họa thiên nhiên ngày một gây ra nhiều thiệt hại hơn.