23.000 tỷ/năm để xây đường cho Hà Nội và TP.HCM
Theo đó, Hà Nội và TP.HCM sẽ cần một số vốn đầu tư vào khoảng 278.500 tỷ đồng để phát triển đường bộ đô thị từ nay đến năm 2020.
Như vậy, trung bình, mỗi năm, 2 thành phố này cần khoảng 23.200 tỷ đồng/năm để phát triển đường bộ đô thị.
Cụ thể, Hà Nội sẽ phải tập trung hoàn thành đường vành đai 2 thành đường đô thị với quy mô 4-8 làn xe; xây dựng đường vành đai 3, vành đai 4 có quy mô 6-8 làn xe; hoàn thành cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện tại với quy mô 4-6 làn xe, xây dựng các đường bộ cao tốc song hành với quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn.
Hà Nội cũng phải hoàn thành xây dựng các cầu vượt sông Hồng: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Hồng Hà, Mễ Sở, Vĩnh Thịnh và Tứ Liên. Hoàn thành xây dựng các cầu vượt sông Đuống: Đông Trù, Thạch Cầu, cầu Đuống mới,cầu Phù Đổng II và cầu Đuống trên đường vành đai 4.
Tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 của Hà Nội cũng phải đạt 25%.
Đối với TP.HCM, nguồn vốn này sẽ được dùng cho nâng cấp các quốc lộ hướng tâm, xây dựng đường cao tốc: Biên Hoà – Vũng Tàu, TP.HCM Mộc Bài, TP.HCM – Trung Lương - Cần Thơ, nam TP.HCM – Nhơn Trạch.
Các cầu vượt mới cần được xây dựng trong quy hoạch là: cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh, Phước An, Thủ Biên, Hoá An, Long Thành, cầu Đồng Nai mới…
Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt của TP.HCM đến năm 2020 cũng phải đáp ứng được 15% nhu cầu.
Ngoài ra, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể với vận tải đường bộ: - Khối lượng hàng hoá vận chuyển 760 triệu tấn với 35 tỷ tấn hàng hoá luân chuyển. - Có khoảng 2,8-3 triệu xe ô tô các loại. - Có 24 đoạn, tuyến cao tốc với chiều dài khoảng 2.381km. - Thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ - Quỹ đất cho xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt bình quân 16-26% so với quỹ đất xây dựng tại đô thị. |