70% nước thải KCN không qua xử lý

Ngày 1-6, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã công bố báo cáo môi trường quốc gia năm 2009, trong đó tập trung làm rõ môi trường các khu công nghiệp (KCN) trên toàn quốc. Đáng lo ngại là theo bản báo cáo này, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải mỗi ngày từ các KCN được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt.

 
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, tính đến tháng 10-2009, toàn quốc đã có 223 KCN được thành lập, trong đó 171 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích gần 57.300 ha. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng nước mặt tại các vùng chịu tác động của nguồn thải từ các KCN đã suy thoái, đặc biệt lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy.
 
Tỉ lệ các KCN đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 43%. Lưu vực sông Cầu (đoạn qua TP Thái Nguyên) nhiều chỉ tiêu chất lượng nước không đạt giới hạn B. Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy không đạt tiêu chuẩn B 1 (không thể tưới tiêu cho nông nghiệp).
 
Tại khu vực này, nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể khai thác khiến gần 60.000 dân của thị xã Phủ Lý (Hà Nam) luôn trong tình trạng thiếu nước...

30.000 người bệnh nghề nghiệp

Bản báo cáo khẳng định nhiều nhà máy trong các KCN sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm khí thải... là nguyên nhân gia tăng các bệnh liên quan đến môi trường trong nhiều năm qua. Theo con số thống kê từ năm 1976 đến năm 1990, cả nước chỉ có 5.497 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Năm 2004 con số này tăng lên gấp 3 lần và dự báo năm 2010 có khoảng trên 30.000 người.

Không chỉ nước thải quá bẩn mà ô nhiễm không khí ở các KCN cũng đáng báo động, tập trung nhiều ở các KCN cũ do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải. Ngoài ô nhiễm bụi, một số KCN còn xuất hiện ô nhiễm CO, SO2 và NO2.

Bên cạnh đó là lượng chất thải rắn từ các KCN có chiều hướng gia tăng. Trong đó, thành phần chất thải rắn nguy hại chiếm tỉ lệ 20%. Theo tính toán, chất thải rắn phát sinh từ các KCN phía Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất so với các vùng khác, với gần 3.000 tấn/ngày.
 
Lượng chất thải nguy hại phát sinh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiều gấp 3 lần so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ  và gấp 20 lần ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại TPHCM, có 13 KCN, KCX đang hoạt động nhưng chỉ có KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, Tân Bình hoàn chỉnh khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn.
 
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng tại khu chế biến kim loại màu Thái Nguyên, các xét nghiệm máu của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sống liên tục ở khu vực nghiên cứu từ 5 năm trở lên cho thấy có hàm lượng chì và arsen trong máu cao hơn vùng đối chứng từ 3-80 lần.