ADB: Dự trữ ngoại hối của Việt nam thấp nhất khu vực Đông Á
So với Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được công bố hồi tháng 4, ADB không thay đổi nhận định về tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2011 vẫn ở mức 6,1% (giảm so với mức 7% đưa ra vào cuối năm 2010) và sẽ đạt khoảng 6,7% trong năm 2012.
Diễn biến lạm phát (tính theo năm) tại Việt Nam kể từ năm 2007. Nguồn:ADB |
Theo ADB, việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do Chính phủ phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này là dễ hiểu khi mặt bằng giá vào thời điểm kết thúc tháng 6/2011 đã cao hơn tới 20,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 14 nền kinh tế Đông Á mà ADB tiến hành khảo sát và cao gấp đôi so với nước xếp ở vị trí thứ 2 là Lào.
Tiền đồng có mức giảm giá mạnh nhất trong khu vực kể từ tháng 3/2011. Nguồn:ADB |
Cùng với lạm phát Việt Nam cũng phải đối mặt với một loạt các vấn đề vĩ mô khác như thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tỷ lệ cho vay so với huy động của toàn hệ thống tính đến tháng 3/2011, theo số liệu của ADB, đạt gần 106% (cao thứ 2 trong khu vực, sau Hàn Quốc). Bội chi ngân sách tính đến hết tháng 7 cũng lên tới 8%, cao nhất trong số 14 nền kinh tế được khảo sát.
Việt Nam cũng được Ngân hàng phát triển châu Á xác định là nước có dự trữ ngoại hối thấp nhất khu vực Đông Á khi chỉ đáp ứng được 1,6 tháng nhập khẩu. Theo số liệu thương mại 7 tháng đầu năm, con số này tương đương hơn 13 tỷ USD (so với mức 12,4 tỷ USD mà ADB dự báo hồi tháng 4). Do dự trữ ngoại hối thấp, công với thâm hụt thương mại cao, Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm 9,3% giá trị tiền đồng so với đôla Mỹ và là một trong số ít những đồng tiền trong khu vực mất giá so với USD.
Vn-Index của Việt Nam cũng là chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua. Nguồn: ADB |
Theo đánh giá của ADB, những nguy cơ nói trên, đặc biệt là lạm phát với vòng xoáy lương-giá có thể tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế trong khu vực nói chung. Các nguy cơ khác có thể đến từ sự hồi phục chậm chạp của Nhật Bản, khủng hoảng nợ tại Mỹ cà châu Âu… cũng có thể khiến thị trường tài chính biến động mạnh hơn và dòng vốn đầu tư trở nên kém ổn định.
Tuy vậy, báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng ủng hộ quan điểm về việc các Chính phủ nên tiếp tục các chính sách mang tính “thực dụng” để kiềm chế lạm phát, tương tự những biện pháp đã được áp dụng tại Việt Nam kể từ đầu năm. Đồng thời, ADB cũng khuyến nghị Việt Nam và các nền kinh tế khác nên áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, giúp giảm nhẹ tác động của việc tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới đối với mặt bằng giá trong nước.
Theo dự báo của ADB, mức tăng GDP chung của các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á có thể đạt 7,9% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012 (giảm mạnh so với mức 9,3% của 2010). Tăng trưởng của Trung Quốc tuy có chậm lại nhưng vẫn ở mức 9,6% trong năm nay và 9,2% cho 2012. Trong khu vực ASEAN, tăng trưởng của Thái Lan, Malaysia, Philippines sẽ giảm tốc trong khi GDP của Indonesia dự kiến tăng 6,4%, cao hơn so với mức 6,1% của 2010.