Aichi muốn đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

Aichi muốn đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp tỉnh Aichi tại Việt Nam đã tăng từ 80 doanh nghiệp (năm 2011) lên 96 doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, có 44 doanh nghiệp hoạt động ở khu vực phía Bắc và 52 doanh nghiệp hoạt động tại khu vực phía Nam.

“Hầu hết doanh nghiệp Aichi đều hoạt động trong các ngành liên quan đến công nghiệp phụ trợ”, ông Nguyễn Bá Cường, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tại buổi Tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh Aichi tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Theo ông Hiroshi Hidaka, Giám đốc Ban Đầu tư và Thương mại (Phòng Công nghiệp và Lao động tỉnh Aichi), đặc điểm của lực lượng lao động tại Việt Nam rất phù hợp với doanh nghiệp tỉnh Aichi vốn có truyền thống về sản xuất công nghiệp. Với sự hoạt động ổn định của các doanh nghiệp tỉnh Aichi thời gian quan, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tỉnh Aichi, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Wataru Sano, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Toyota Tsusho Việt Nam (doanh nghiệp Aichi hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991 trong rất nhiều lĩnh vực như sắt thép, ô tô, hoá chất, điện tử…) cho biết, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, chi phí sản xuất và chi phí nhân công còn thấp, nên rất phù hợp cho các hoạt động sản xuất gia công, sau đó xuất khẩu ngược trở lại Nhật Bản. 

Trước sự mở rộng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Công ty Toyota Tsusho Việt Nam đã thành lập bộ phận xúc tiến dự án mới để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư vào Việt Nam. Theo đánh giá của bộ phận này, cách thức đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đã có sự thay đổi. Các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ tận dụng giá nhân công rẻ để gia công rồi xuất khẩu, mà bắt đầu tham gia khai thác thị trường nội địa. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam.

Trước đây, các doanh nghiệp Nhật chủ yếu đầu tư vào sản xuất công nghiệp thực phẩm, may mặc. Năm 2011, chứng kiến một con số kỷ lục 208 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Trong đó, có sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngành bán lẻ như Family Mart, đặc biệt là AEON, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản.

Bản thân Công ty Toyota Tsusho Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Cuối năm ngoái, Công ty vừa đưa vào hoạt động Công ty Môi giới bảo hiểm Toyota Tsusho Việt Nam. Trong năm tới, Công ty dự kiến đưa vào hoạt động thêm một nhà máy hoá chất và phối hợp với Công ty Toyota Motor Việt Nam sản xuất dòng xe Lexus mới chưa có mặt trên thị trường Việt Nam.

Ông Hirota Naoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hirota Precison Viet Nam chuyên về sản xuất khuôn mẫu và chi tiết cơ khí chính xác cao cho biết, sau thời gian hoạt động có hiệu quả của nhà máy 5.000 m2 tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch I (Đồng Nai), Công ty vừa đưa thêm một nhà máy có diện tích 12.500 m2 vào sản xuất tại Hà Nội.

Ông Kiyomichi Iwata, Tổng giám đốc Công ty TNHH Wine Food (hoạt động trong Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) cho biết, sau thời gian đầu chỉ sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản, Công ty đang hoàn thiện các thủ tục hải quan để có thể xuất khẩu sang các thị trường khác.

Theo ông Hiroshi Hidaka, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư lớn là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư Aichi quan tâm tại Việt Nam.

“Sẽ có nhiều nhà đầu tư từ Aichi đến Việt Nam nếu các địa phương triển khai sớm các khu công nghiệp Nhật Bản”, ông Hiroshi Hidaka cho biết.