Amata và Tuần Châu sẽ đầu tư 1,6 tỉ đô la Mỹ ở Quảng Ninh
Dự án khu Amata City Ha Long này sẽ được phát triển trên khu đất rộng tới 5.789 héc ta ở tỉnh Quảng Ninh. "Đây sẽ là một thành phố, không chỉ là một khu phức hợp công nghiệp", bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành của Amata Việt Nam, nói với Thainews.
Bên cạnh sản xuất, khu phức hợp này sẽ phục vụ cho các ngành công nghiệp du lịch, vì nó nằm bên cạnh Vịnh Hạ Long, một di sản thế giới được Unesco công nhận và là điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới.
Đây là dự án đã được hai doanh nghiệp này lên kế hoạch hợp tác đầu tư trong thời gian qua. Cuối năm 2013, Văn phòng Chính phủ có thông báo về việc đưa dự án Khu đô thị Công nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh vào Chương trình phát triển Kinh tế - xã hội trọng điểm quốc gia trong hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Thái Lan. Theo thông báo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần định hướng thu hút đầu tư của Tập đoàn Amata và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tập trung đầu tư xây dựng các dự án phát triển hạ tầng vào Khu kinh tế Vân Đồn và các khu công nghiệp hiện có của tỉnh Quảng Ninh.
Theo kế hoạch của liên doanh này thì 70% nguồn vốn đầu tư thuộc về Amata, trong khi khoản đầu tư của đối tác trong nước là tập đoàn Tuần Châu chiếm 30%.
Theo Thainews, toàn bộ dự án dự kiến sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian 10-15 năm và cần một khoản ngân sách tới 1,6 tỉ đô la Mỹ để phát triển tất cả 5.789 ha của khu đất, chia thành 10 giai đoạn và hoàn thành vào năm 2030.
Giai đoạn đầu phát triển dự án khu phức hợp này cần số vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ, và liên doanh sẽ xây dựng một khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các dự án sản xuất điện tử đang gia tăng ở Việt Nam và sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất của Nhật Bản từ Trung Quốc. Theo đó, dự án dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018, hy vọng thu hút khoảng 1.000 nhà máy.
Dự án khu phức hợp cũng dự kiến sẽ thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ logistics, trung tâm triển lãm và các phòng thí nghiệm khoa học.
Theo Thainews, dự án sẽ có ba khu vực - một phức hợp công nghiệp 4.000 héc ta với khoảng 1.000 công ty, một khu bất động sản nhà ở và cơ sở nghiên cứu rộng 1.500 héc ta, và một khu đa chức năng rộng 640 héc ta gồm bệnh viện, trường học, khu vực khai thác dịch vụ hậu cần, trung tâm triển lãm, trung tâm mua sắm, khu ẩm thực và các khu vực vui chơi giải trí.
"Dự án dự kiến sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 người và khoảng 5 tỉ đô la Mỹ doanh thu mỗi năm", bà Panichewa nói. Tại đây dự kiến cũng sẽ thu hút khoảng 1 triệu du khách đến tham quan.
Amata đã đầu tư vào Việt Nam trong 20 năm qua và rất thành công trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Amata tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên theo Thainews, Amata đang di chuyển về phía Bắc, vì các nhà sản xuất Nhật Bản dự kiến sẽ đưa các cơ sở sản xuất của họ đến khu vực này trong vòng ba năm tới. Khu vực phía Bắc của Việt Nam gần với Trung Quốc, các công ty Nhật Bản có thể vừa tận hưởng những lợi ích về chi phí lao động thấp ở Việt Nam nhưng đồng thời vẫn thuận tiện trong việc bán sản phẩm của mình cho thị trường Trung Quốc.
Các tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc như LG đã chuyển cơ sở sản xuất ti vi từ Thái Lan đến khu vực này và Tập đoàn Samsung cũng đã và đang đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ cho sản xuất điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử gần khu vực này, bà Panichewa lý giải về việc Amata di chuyển đầu tư ra khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng một đường cao tốc đi Quảng Ninh, trong khi sân bay nội địa Cát-Bi ở Hải Phòng dự kiến sẽ được nâng cấp lên một sân bay quốc tế trong năm tới.
Ngoài dự án nói trên, Amata cũng đang tìm hiểu cơ hội để phát triển một khu phức hợp lớn ở Bình Định - gần địa điểm đang có dự án tổ hợp hóa dầu 22 tỉ đô la Mỹ do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) hợp tác với Tập đoàn Saudi Aramco đầu tư.
Amata Corporation Plc là tập đoàn phát triển khu công nghiệp lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan. Ở Việt Nam, Amata là một trong những nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp thành công, gắn liền với khu đô thị công nghiệp Amata ở Đồng Nai đang thu hút nhiều nhà sản xuất quốc tế.