Bài toán hậu kích cầu
Để chống suy thoái kinh tế, gói kích cầu của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả nhất định, câu hỏi làm thế nào để tránh cho ngân sách không rơi vào tình trạng khó khăn, chống nguy cơ tái lạm phát phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai gói kích cầu và thu tiền về lúc hậu kích cầu thế nào.
Gói kích cầu của Việt Nam đã đi được một chặng đường gần 7 tháng. Hiện dư luận bắt đầu “bàn" nhiều về giai đoạn hậu kích cầu. Vậy cần phải lưu ý trước những thách thức gì?
Trả lời câu hỏi này, ông Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nói:
- Bắt đầu từ tháng 4, nền kinh tế có dấu hiệu tốt, chứng tỏ chính sách của Chính phủ đang đi đúng hướng và các giải pháp đã vào cuộc sống. Theo tôi, hết năm nay có thể có những bước khả quan hơn để năm 2010 kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.
Từ gói kích cầu vừa qua, nếu chúng ta cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, cho các đối tượng được hưởng lợi từ những chính sách một cách đầy đủ, kịp thời hơn thì chương trình sẽ được triển khai nhanh hơn. Quan trọng là thông tin phải rõ ràng, bởi đó là cơ sở để người dân dựa vào mà thực hiện.
Theo tôi, bài học quan trọng nhất là, cần coi trọng công tác tuyên truyền. Chúng ta đang chống suy giảm và đã thành công, giải pháp đưa ra là đúng, nhưng các thủ tục hành chính, công việc triển khai cụ thể còn chậm. Chính sách đúng nhưng người hưởng thụ chưa được bao nhiêu. Do đó cần tập trung tuyên truyền các chính sách này.
Sẽ vẫn còn những thách thức trước mắt trong giai đoạn hậu kích cầu. Trước hết là phải tạo ra những nhận thức mới. Chống suy giảm kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nhưng cần phải tiếp tục chống lạm phát quay trở lại. Kế đó là phải tính ráo riết các biện pháp tự vệ, bảo vệ hàng hóa trong nước và tiêu thụ nội địa. Và cuối cùng, phải tính hết được những rủi ro, hậu quả khi bội chi ngân sách lớn.
Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại rằng, việc tung một lượng tiền lớn ra để kích cầu chắc chắn sẽ làm lạm phát quay trở lại, nếu không trong năm nay thì cũng trong năm 2010. Quan điểm của ông thế nào?
Cảnh báo về lạm phát và những nguy cơ đe dọa lạm phát là có thực. Theo tôi, đưa một số lượng tiền lớn qua nhiều kênh một cách dồn dập trong thời gian ngắn thì sẽ gây nên lạm pháp và lạm phát sẽ ngày càng tăng lên khi nguồn tiền này đến không đúng địa chỉ, đồng thời cũng sẽ gây ra rủi ro, nợ quá hạn.
Vì thế, theo tôi, phải có những biện pháp kiểm soát để thu tiền về. Theo đó cần phải tăng cường quản lý, tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, chi phí đầu tư và hành chính. Kinh nghiệm nhiều năm, khi đưa tiền ra thì cũng phải rút tiền về thông qua con đường hàng hóa và phi hàng hóa.
Tức là tăng sức mua, tăng tiêu dùng hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ hay nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Chúng ta phải ngừa lạm phát ngay trong quá trình triển khai gói kích cầu bằng việc rót tiền vào đúng từng địa chỉ cụ thể để tiền vốn nhanh chóng được chuyển thành hàng hóa.
Theo tôi, Chính phủ biết rất rõ điều đó và đã áp dụng nhiều biện pháp cần thiết nhằm đưa nguồn tiền kích cầu đến đúng địa chỉ.
Ngoài nỗi lo lạm phát thì ngân sách sụt giảm do dồn tiền kích cầu phải chăng cũng là vấn đề đáng lưu ý, ông có bình luận gì?
Đúng là chưa năm nào ngân sách lại khó khăn như thế này. Thu giảm nhiều, sản xuất kinh doanh co lại, xuất khẩu giảm sút, lại thêm phải giảm thuế để kích cầu, giá dầu thế giới cũng giảm...
Trong khi đó, chúng ta lại dồn dập tăng chi, đặc biệt là chi cho kích cầu, rồi chi lương từ ngân sách, chi trợ cấp xã hội. Thu giảm, chi tăng, thì bội chi ngân sách tăng. Lịch sử chưa bao giờ ngân sách rơi vào tình huống này. Theo tôi, để giải tỏa được mối lo ngại này thì cần phải tăng thu và biết cách chi ngân sách.
Về thu, có ba địa chỉ để tăng thu: Thứ nhất, thu từ xã hội hoá ngân sách: phát hành trái phiếu, huy động vốn trong dân để đưa vào gói kích cầu. Muốn huy động vốn trong dân, phải đưa ra lãi suất hấp dẫn với thời gian huy động dài hơi. Không nên chi li quá về lãi suất trái phiếu lúc này.
Thứ hai, huy động qua các dịch vụ. Tuy khủng hoảng nhu cầu du lịch quốc tế giảm đi, nhưng nếu chúng ta có dịch vụ chất lượng, giá cả hấp dẫn, sẽ hấp dẫn khách quốc tế hơn các thị trường khác.
Thứ ba, bên cạnh nguồn dự trữ trong dân, lúc này cũng cần sử dụng nguồn dự trữ quốc gia một cách thực sự can đảm, và chắc chắn. Lúc này, nếu cứ muốn an toàn tất cả, sẽ không có được chính sách hiệu quả trong điều kiện không bình thường này.
Về chi ngân sách, nên tập trung vào ba mục tiêu, bao gồm, chi để tạo sức mua, chi để tạo việc làm và chi để tạo thị trường. Để đảm bảo ba mục tiêu này, địa chỉ là kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn. Việc này vừa đạt được mục tiêu cấp bách trước mắt là tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn để tăng sức mua, lại tạo được thị trường cho cả nguyên nhiên vật liệu lẫn hàng tiêu dùng ở nông thôn.
Việc này lại đạt được mục tiêu dài hạn là gỡ được nút thắt của tăng trưởng là hạ tầng và đảm bảo sự phát triển bền vững. Địa chỉ chi thứ hai là chi cho đầu tư công trong điều kiện không giảm lãi suất hay điều chỉnh tỷ giá. Đầu tư công là địa chỉ đóng góp nhanh nhất cho tạo việc làm và chống suy giảm tăng trưởng.
Đầu tư công cũng nên ưu tiên vào khu vực nông nghiệp nông thôn. Địa chỉ thứ ba là thị trương nội địa, đặc biệt là ở nông thôn mới bắt đầu được quan tâm, nhưng cần có sự lâu dài, chứ không phải trước mắt.
Nếu Chính phủ tập trung làm tốt mấy điểm này, sẽ góp phần đảm bảo ngân sách không căng thẳng trong năm nay.