Bảo hiểm hàng hóa: Doanh nghiệp nội lép vế
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước năm 2010 đạt 71,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 84 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu có mức tăng trưởng cao (tương ứng là 25,5% và 20,1% so với năm 2009) nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mới chỉ bảo hiểm được khoảng 5% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu và 33% kim ngạch hàng nhập khẩu.
Hàng hóa trong quá trình vận chuyển gặp phải rất nhiều rủi ro (cháy nổ, phương tiện vận chuyển bị chìm đắm, mắc cạn, đâm va, chi phí đóng góp tổn thất chung, chi phí cứu hộ…) có thể dẫn đến tổn thất. Khi đó, việc yêu cầu người vận chuyển bồi thường cũng không dễ dàng, vì vậy, mua bảo hiểm là cần thiết để chuyển rủi ro cho công ty bảo hiểm.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2010, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm hàng hóa Việt Nam đạt 1.243 tỷ đồng, tăng trên 27,38% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp khoảng trên 7% trong tổng phí bảo hiểm gốc toàn thị trường, tỷ lệ bồi thường tương đối thấp là 28,13%.
Về cục diện thị trường, nhóm có thị phần dẫn đầu gồm Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO đang chiếm khoảng 61%, nhóm tiếp theo gồm BIC, MIC, ABIC, Bảo Long, SamsungVina, VIA, UIC, SVIC chiếm khoảng 25,8%, các doanh nghiệp còn lại chiếm 13,2%. Mặc dù được cho là nghiệp vụ mang lại lợi lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty bảo hiểm nước ngoài. Lý do là một số công ty bảo hiểm nước ngoài là đối tác bảo hiểm của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu có giá trị lớn, phát sinh thường xuyên.
Một lý do khác, mang tính cố hữu của thị trường dẫn tới các nhà bảo hiểm Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường là do các thói quen mua CIF bán FOB (mua tại cảng đến và bán tại cảng đi) trong hoạt động ngoại thương của các doanh nghiệp nội địa. Nhiều loại hàng hóa được sản xuất và gia công tại Việt Nam là theo đặt hàng của các công ty, tập đoàn mẹ ở nước ngoài nên việc quyết định mua bảo hiểm đã được thu xếp từ đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt nam vẫn chưa nâng cao được khả năng cạnh tranh, chủ yếu tập trung vào việc sản xuất, gia công sản phầm nên chưa chú trọng đến việc thu xếp vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa do chưa đủ nguồn lực. Thực trạng này bắt nguồn từ việc năng lực hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế và chưa mang tầm quốc tế.
Thực tế cho thấy, mua bảo hiểm hàng hóa từ các nhà bảo hiểm Việt Nam có nhiều cái lợi cho các doanh nghiệp hơn. Thứ nhất, các doanh nghiệp được giao dịch với người Việt Nam, tránh được phiền phức về rào cản pháp lý và ngôn ngữ, địa lý. Thứ hai, hiện các nhà bảo hiểm trong nước có đủ năng lực để tư vấn cho khách hàng các thông tin tàu vận chuyển qua các mạng lưới hàng hải uy tín trên thế giới, tư vấn các chính sách đề phòng hạn chế tổn thất và hướng dẫn khiếu nại, lựa chọn điều kiện bảo hiểm ưu việt… Đặc biệt, khách hàng có thể nộp phí bằng đồng Việt Nam để giảm chi ngoại tệ nếu làm việc với nhà bảo hiểm trong nước.
Để thay đổi cục diện cạnh tranh và tạo điều kiện cho các nhà bảo hiểm nội địa, các doanh nghiệp trong nước nên thay đổi thói quen, ưu tiên tiếp cận và trước mắt là nhận tư vấn cho chính các doanh nghiệp về nhiều loại hình bảo hiểm để dần khắc phục thực trạng quyền thu xếp bảo hiểm thuộc về đối tác ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tập quán thương mại cũ, chuyển dần từ phương thức nhập CIF xuất FOB sang nhập FOB xuất CIF. Điều này xét về toàn cục sẽ có lợi cho nền kinh tế quốc dân do cũng góp phần tạo cơ hội cho ngành bảo hiểm hàng hải và ngành vận tải biển phát triển.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các công ty xuất nhập khẩu ký kết hợp đồng theo điều kiện xuất CIF nhập FOB hoặc C&F như giảm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thủ tục hải quan… cho chủ hàng tham gia bảo hiểm tại Việt Nam.