Bắt bệnh giá thuốc nhảy múa
Lại tăng
Cầm chừng từ đầu năm nhưng đến đầu tháng 6 giá thuốc nhập khẩu vào đợt tăng giá kỷ lục. 3.097 lượt mặt hàng nhập khẩu được cơ quan chức năng khảo sát, không có mặt hàng giảm giá, trong khi 20 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỷ lệ 0,6%, với tỷ lệ tăng trung bình 5,2%.
Nhiều loại thuốc tăng giá mạnh như Nitromint Spray từ 55.000 đồng tăng lên 60.000 đồng/lọ, Urgo từ 29.488 đồng lên 31.815 đồng/hộp, Ocuvit từ 150.000 đồng lên 157.000 đồng/hộp, Indocolifue từ 63.000 đồng lên 66.000 đồng/hộp...
Thuốc nội có 53 lượt mặt hàng tăng giá, tỷ lệ tăng trung bình khoảng 4,6%. Hai tháng trở lại đây, thuốc nội ngoại nhập tiếp tục vào đợt tăng mới. Tại khu chợ thuốc tây Tân Định ở quận 1, TPHCM giá thuốc bổ Pharmaton 252.000 đồng/hộp trong khi cuối tháng 8 còn ở mức 232.000 đồng.
Ngày 1-11, Tobradex bán tại quầy ghi trên nhãn đã là 45.100 đồng/lọ thay vì 41.500 đồng cách đây hai tuần. Methycopan tăng từ 32.000 đồng/vỉ lên 35.000 đồng.
Giá thuốc tại khu vực chợ bán sỉ (buôn) Tô Hiến Thành, quận 10, cũng tăng chóng mặt. Các loại vitamin, tim mạch, tiểu đường, dịch truyền chống sốc, thuốc về mắt… được các công ty ở đây cho biết tăng từ hai tháng nay và chưa có điểm dừng. Dogmatin 5mg, Enalapril, Efferagan Codein hay Vastaren MR đều tăng giá từ 3-10% trong tháng qua.
Sau “sự kiện” Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang “tố” Công ty cổ phần BV Pharma sản xuất thuốc trị cảm cúm có hoạt chất PSE là chất gây nghiện, thuốc của BV Pharma bị tẩy chay, khiến hai tháng qua thị trường thuốc điều trị cảm cúm, viêm mũi, xoang có chứa hoạt chất PSE nhập khẩu tăng giá vô tội vạ.
Khi hỏi mua thuốc Actifed, nhân viên một nhà thuốc ở quận 3 cho biết, hơn tháng nay, thuốc này tăng lên 4.000 đồng/viên so với 600 đồng/viên trước đó. Woaheder giá trước đây 300 đồng/viên thì nay tăng lên 4.500 đồng/viên. Đó là thuốc nhập, còn thuốc điều trị cảm cúm, tai mũi họng do trong nước gia công, sản xuất như Eruvipharm, Savipharmed, Glotifed và Acdiral đều tăng lên từ 2.000-4.000 đồng/viên.
USD tăng hay quyền năng doanh nghiệp?
“Tỷ giá USD liên ngân hàng tăng cao trong khi giá USD tự do vẫn biến động mạnh khiến việc nhập nguyên liệu từ các công ty dược trong nước gặp khó”- một doanh nghiệp dược giải thích vì sao thuốc của Cty mình tăng giá.
Giám đốc một Cty dược phẩm ở quận 10 cho biết, một số loại thuốc mà công ty “cắt lô” phân phối độc quyền từ các nhà máy ở châu Âu “đứt” hàng kéo dài vì chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng lên. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng khóc dở, mếu dở nói họ phá sản kế hoạch sản xuất 3 tháng cuối năm 2011 và năm tới do nguyên liệu đầu vào tăng quá mức.
Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Cty dược phẩm Mekophar cho biết, 2 tháng qua giá nguyên liệu đã vọt lên hơn 20%. “Nguyên liệu Vitamin B1 hồi tháng 5, 6 chỉ ở mức 14 USD/kg thì nay đã là 36 USD/kg, hay như Vitamin B6 từ 17 USD/kg phóng thẳng lên 56 USD/kg”, bà Lan dẫn chứng.
Ông Kh., giám đốc một công ty dược tại TPHCM, nói do giá nguyên liệu tăng, hai tháng qua công ty đã xin điều chỉnh tăng giá 2 lần: “Với hơn 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, không tăng giá mới là chuyện lạ”.
Theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN, giá một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước sắp tới sẽ tăng do các yếu tố đầu vào như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… đều tăng. Trong khi giá thuốc nhập khẩu cũng tăng cao do tỷ giá ngoại tệ và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đồng nghĩa người bệnh sẽ còn oằn lưng với gánh nặng giá thuốc.
Bằng cách kê khai giá chênh lệch nhiều hơn so với giá bán thực tế, từ nhiều năm nay các doanh nghiệp dược vẫn vô tư lách luật và đưa thuốc đến tay người bệnh với giá cao có khi lên đến cả trăm lần. Đó là chưa kể nhiều công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc đã tự ý điều chỉnh giá bán mà không tiến hành kê khai lại khiến thị trường thuốc xáo trộn.
Một “đầu nậu” chuyên làm visa nhập khẩu thuốc ở TPHCM cho biết: “Quy định về kê khai giá thuốc đang có sơ hở vì các doanh nghiệp khi nhập khẩu chỉ phải khai báo giá CIF với cơ quan hải quan rồi đưa ra thị trường bán, trong khi giá khai báo CIF không được hậu kiểm. |
Theo quy định tại Luật Dược 2005, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường; khi thay đổi giá, phải kê khai lại với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và bảo đảm giá thuốc không cao hơn các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế tương đương VN.
Tuy nhiên, một “đầu nậu” chuyên làm visa nhập khẩu thuốc ở TPHCM cho biết: “Quy định về kê khai giá thuốc đang có sơ hở vì các doanh nghiệp khi nhập khẩu chỉ phải khai báo giá CIF với cơ quan hải quan rồi đưa ra thị trường bán, trong khi giá khai báo CIF không được hậu kiểm”. Kẽ hở đó khiến doanh nghiệp nhập khẩu tha hồ kê khai giá ảo rồi bán thuốc giá trên trời mà không bị tuýt còi.
Theo Cục quản lý Dược, việc quản lý giá thuốc dựa trên các yếu tố giá nhập khẩu thực tế và các khoản thuế, chi phí của đơn vị…. Tuy nhiên, thực tế các cơ quan quản lý chỉ mới nắm được các khoản thuế, còn giá nhập khẩu và các chi phí khác thì do doanh nghiệp tự biên tự diễn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có quyền định giá bán thuốc của họ, chỉ cần không quá cao so với giá kê khai ban đầu là được. Có trường hợp doanh nghiệp dược đã phải mua bán lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, chấp nhận chi hoa hồng để được quyền phân phối loại thuốc độc quyền nào đó. Nhưng khi bán ra, những khoản chi phí lòng vòng trên những viên thuốc đó lại được cộng vào để người bệnh gánh. Những bất cập trên vẫn chưa có thuốc trị.