Bế tắc nhà ở cho công nhân ở thành phố lớn

 Tại hội thảo "Kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam" ngày 1/7, ông Trịnh Trường Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết với mức lương của người lao động hiện nay về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bản thân và gia đình.

 
Trong khi đó, phần lớn các chủ doanh nghiệp vẫn đang lấy mức lương tối thiểu để trả lương cho người lao động mà chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng thang, bảng lương.
 
Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp còn bớt một phần lương của người lao động để chi cho các khoản phụ cấp như ăn trưa, tiền hỗ trợ đi lại, tiền thưởng.
 
80% công nhân phải đi ở thuê, ở tạm. Ảnh minh họa (NLD)
Kết quả cuộc khảo sát về đời sống công nhân do Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiến hành năm 2015 tại 10 tỉnh/ thành phố trên cả nước cho thấy mức lương trung bình của công nhân được trả hiện nay là gần 4 triệu đồng/người/ tháng.
 
Dù đã cải thiện khoảng 10% so với năm 2014 song mức lương này mới chỉ đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động như: ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng bảo hiểm xã hội, phương tiện đi lại và một số nhu cầu thiết yếu khác.
 
Thực tế hiện nay tại các khu công nghiệp (KCN) mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của người dân với giá thuê từ 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng.
 
Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân KCN thuê đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu vui chơi, giải trí, khu luyện tập thể thao, thư viện...).
 
Đánh giá về môi trường sống của công nhân các khu công nghiệp, ông Kenichi Hashimoto, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA về cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam cho rằng, môi trường sống của công nhân ở Việt Nam tồn tại rất nhiều vấn đề. Phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm.
 
Trong khi đó, khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân.
 
Nhà trọ là loại hình phổ biến nhưng chất lượng thấp, đặc biệt là trước năm 2009. Còn ký túc xá không thu hút công nhân vì sinh hoạt quá chặt chẽ, quy định giờ ra/vào, không cho nấu ăn trong phòng ở...
 
Nhà ở công nhân với điều kiện sinh hoạt nghèo nàn chính là trở ngại đối với các doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao.
 
Ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 140.000 công nhân. Trong đó, 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu về nhà ở. Nhu cầu nhà ở cho công nhân trên địa bàn thành phố rất bức xúc.
 
Tại địa bàn Hà Nội có 3 mô hình xây nhà ở cho công nhân gồm: nhà nước đầu tư, nhà kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đến sản xuất kinh doanh đầu tư.
 
Nhưng có một thực tế là một số khu công nghiệp xây nhà ở xong nhưng công nhân lại không vào ở. Theo ông sở dĩ công nhân không vào ở vì không phù hợp. Một phòng có từ 8 đến 12 người nhưng chỉ có 1 phòng vệ sinh. Buổi sáng công nhân cùng đi làm, chiều cũng về giờ đấy nên rất bất tiện.
 
Hiện nay như KCN Bắc Thăng Long cũng mới chỉ có 1 nhà trẻ. Tuy nhiên chỉ những người có hộ khẩu Hà Nội mới cho gửi trẻ. Đó là những bất cập.
 
Hơn nữa khu nhà ở cho công nhân phải có nhà văn hóa, chỗ vui chơi, thể thao…Những người lao động làm việc mười mấy tiếng mà không có sinh hoạt, vui chơi thì không không khác gì cái máy.
 
“Tại KCN Thăng Long có chỗ ở cho 23.000 công nhân nhưng chỉ có 5.000- 6.000 công nhân vào ở”, ông Hùng cho biết.
 
Theo ông, với mức lương của công nhân chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, công nhân đã qua đào tạo là 3,7 triệu đồng/tháng, là mức lương rất thấp. Trong khi đó các nhà đầu tư đến chỉ góp một phần rất nhỏ cho người lao động về hỗ trợ nhà ở cho công nhân. Ví dụ mức hỗ trợ của DN Nhật Bản hiện nay cho người lao động về nhà ở là 150.000 đồng.
 
Vì thế ông Hùng kiến nghị cần có mô hình mới cho nhà ở công nhân, có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.
 
Theo ông Trịnh Trường Sơn, ngay từ năm 2005, Luật Nhà ở đã quy định Nhà nước trực tiếp đầu tư và có các cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và công nhân lao động tại các KCN thuê, thuê mua.
 
Tuy nhiên, trong thời gian sau đó việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp nói chung và cho công nhân nói riêng thuê, thuê mua theo quy định của Luật nhà ở chưa đạt được nhiều kết quả, do các nguyên nhân như Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, kể cả nhà ở công nhân khu công nghiệp.
 
Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, nếu chỉ cho thuê, thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp.
 
Ngoài ra Nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế ... đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp...
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cũng cho rằng môi trường của công nhân ở các KCN hiện nay đang có nhiều vấn đề. Ở nước khác, công nhân có nhà vệ sinh, có nóng lạnh, phòng karaoke, phòng tập gym…Chính vì thế theo ông cần phải nghiên cứu những mô hình cải thiện môi trường sống để công nhân “đỡ khổ hơn, đỡ vất vả hơn”.