Bí thư Hậu Giang: Không vì nghèo mà bất chấp môi trường

Liên quan đến vấn đề xử lý, xả nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man, ngày 27/6, ông Hoàng Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ giám sát, quan trắc nước thải của dự án 24/24 giờ từ Sở thông qua hệ thống máy tính. Thiết bị quan trắc nước thải tự động sẽ do phía công ty lắp đặt, đấu nối còn Sở Tài nguyên môi trường chỉ nhận kết quả từ máy tính.
 
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển diện tích nuôi cá da trơn lên 250ha gần khu vực dự án nhà máy giấy. "Chúng tôi rất lo ngại nếu phía dự án không xử lý tốt vấn đề xả thải ra sông Hậu, thì không chỉ Hậu Giang mà ngành nông nghiệp cả vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng", ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói và đề nghị phải quan tâm nghiêm ngặt, tới nơi tới chốn vấn đề môi trường trước khi cho nhà máy đi vào hoạt động.
 
Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Trần Công Chánh, vụ việc Nhà máy giấy Lee & Man cần phải làm rõ. Thời gian qua, người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý các khó khăn của dự án và thông tin liên quan mà báo chí nêu.
 
“Hậu Giang còn nhiều khó khăn nên thời gian qua việc thu hút đầu tư rất được quan tâm. Nhưng không vì nghèo mà bất chấp mọi vấn đề, nhất là môi trường”, ông Chánh khẳng định.
 
Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, được khởi công xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vào năm 2007. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, dự án bị đình trệ, đến năm 2014 mới khởi động lại.
 
Theo ông Chung Wai Fu -Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, nhà máy có công suất 420.000 tấn giấy một năm sẽ chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và chính thức hoạt động sau đó một tháng.
 
Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi công văn lên Quốc hội và Thủ tướng đề nghị chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án này. Theo VASEP, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH), sau đó là cyanua, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn. Khi hoạt động, công trình sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút một năm xuống sông Hậu.
 
Ngày 26/6, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường phối hợp các đơn vị thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam.
 
"Đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định và yêu cầu Đoàn kiểm tra tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải. Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của công ty trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm.
 
Thứ ba, đoàn phải kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi ra môi trường được kiểm soát đầy đủ thông số theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân...