Bình Định: Các DN ở KCN Phú Tài lao đao vì lũ
* “Chìm” trong lũ dữ
Cơn lũ lớn vừa qua đã làm ngập hầu hết các văn phòng làm việc, nhà xưởng, nhà kho... của các DN trong KCN Phú Tài. Đến ngày 9.11, có mặt tại KCN lớn nhất tỉnh này, chúng tôi chứng kiến một không khí buồn tẻ. Trước mắt chúng tôi là những dãy tường rào bị lũ cuốn ngã đổ; công nhân của các nhà máy đang dọn vệ sinh và phơi phóng, sấy khô nguyên liệu, sản phẩm do nước lũ ngập ướt; nhiều thiết bị máy móc chìm trong nước lũ đã được tháo rời đưa đi sửa chữa, bảo dưỡng.
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Hồng - Tổng Giám đốc Công ty PISICO - buồn rầu cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị để đối phó với cơn bão số 11. Khi bão qua, chưa kịp mừng thì nước lũ ào đến đột ngột và quá lớn khiến tất cả anh em công nhân trực bão lũ… đành bó tay đứng nhìn. Tất cả nhà xưởng, nhà kho của Công ty CP Nội thất PISICO đều bị ngập chìm trong nước lũ...”. Cơn lũ lịch sử đã nhấn chìm toàn bộ văn phòng làm việc, nhà xưởng của DN này dưới 2 m nước, gây thiệt hại cho đơn vị trên 26,9 tỉ đồng. Trong đó, nước lũ đã cuốn trôi trên 700 m3 gỗ nguyên liệu; 200 m3 gỗ thành phẩm và bán thành phẩm; toàn bộ máy móc, thiết bị và giấy tờ đều bị ngập… Theo ông Lê Văn Hồng, nhà máy này phải đóng cửa khoảng 45 ngày để khắc phục mới có thể sản xuất trở lại.
Không riêng gì DN nói trên, hơn 50% DN nằm phía Bắc KCN Phú Tài đều bị nước lũ nhấn chìm từ 1,5 m đến 2 m. Ông Man Ngọc Lý - Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh - cho biết: Theo ước tính ban đầu, cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho các DN tại KCN Phú Tài khoảng 300 tỉ đồng. Hiện hầu hết các DN bị thiệt hại đều phải ngừng sản xuất, công nhân phải nghỉ việc không lương. Thiệt hại đối với các DN không dừng lại ở đây mà sẽ còn lớn hơn, do bị khách hàng phạt trễ hợp đồng và lỡ cơ hội làm ăn…
* Rất cần sự hỗ trợ
Năm 2009 được xem là một năm đầy khó khăn với DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay kinh tế đang trên đà hồi phục, các DN đang gượng dậy thì… lũ dữ lại ập đến, đã đẩy họ đến chỗ khó chồng lên khó. Những thiệt hại do lũ lớn gây ra đã ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và kế hoạch trả nợ ngân hàng của các DN.
Ông Lê Văn Hồng bày tỏ: “Với các DN bị thiệt hại đôi trăm triệu thì họ có thể sớm vượt qua và phục hồi sản xuất. Nhưng đối với các DN bị thiệt hại nặng thì rất cần sự trợ lực của các ngành chức năng, nhất là hệ thống ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện để các DN bị thiệt hại nặng do lũ lớn được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh gọn, đồng thời tái cơ cấu tài sản để cho vay trung hạn, giãn nợ vốn ngắn hạn để DN có điều kiện phục hồi sản xuất”. Các DN bị thiệt hại nặng do cơn lũ vừa qua đã đồng loạt kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian cho vay hỗ trợ lãi suất đối với DN vùng lũ, bởi các gói vay ngắn hạn thời gian sẽ kết thúc vào ngày 31.12.2009 đã cận kề. Nếu không kéo dài thời gian cho vay hỗ trợ lãi suất thì không ít DN sẽ... “chết”!
Đồng quan điểm với các DN, ông Man Ngọc Lý đề đạt: Tỉnh cần có ý kiến với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại triển khai các biện pháp xử lý rủi ro do thiên tai như khoanh nợ, giãn nợ cho các DN bị thiệt hại nặng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ các DN một cách nhanh chóng trong việc xác định lại những mất mát về hồ sơ, chứng từ do nước lũ cuốn trôi cũng như bị ngập ướt...
Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thống kê lại các thiệt hại của các DN do lũ lớn gây ra để có hướng hỗ trợ một cách cụ thể. Đối với những kiến nghị của DN về nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất, thực hiện giảm, giãn nợ, tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, để có những chính sách cụ thể, đồng thời tăng thêm nguồn vốn vay cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để DN tiếp cận nguồn vốn vay khôi phục lại sản xuất...