Bình Dương công bố quy hoạch, giảm vốn đầu tư từ nhà nước
Trao đổi với báo chí bên lề ““Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025” diễn ra vào chiều nay ngày 12-9, ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay, trong tổng vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 50%.
Trước đó, vào năm 2010, vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm khoảng 50%, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10,5% và vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước khoảng 26,4%.
Ông Dũng cho biết trong thời gian thực hiện quy hoạch nói trên, Bình Dương sẽ cố gắng giảm vốn đầu tư từ nhà nước vì xác định vốn đầu tư nước ngoài sẽ là nguồn lực quan trọng nhất trong kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo ông Dũng, tuy giảm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng vốn này sẽ được đầu tư hiệu quả hơn cho các công trình lớn, có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Cũng theo ông Dũng, tính đến thời điểm này, Bình Dương đã thu hút được 1,3 tỉ đô la Mỹ vốn FDI; số lượng đầu tư cấp mới còn ít mà chủ yếu là các nhà đầu tư tăng quy mô vốn.
Tại hội nghị này, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2007. Tuy nhiên, với những thay đổi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra sau đó, cùng với cơ hội gia nhập TPP của Việt Nam, Bình Dương đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên thành “Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025” và được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6 vừa qua.
Theo quy hoạch mới, trong giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu sẽ trở thành đô thị trực thuộc trung ương, Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 13,3%/năm; tốc độ tăng trưởng của từng khu vực kinh tế cũng có sự điều chỉnh. Cụ thể, so với quy hoạch năm 2007, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp-xây dựng sẽ giảm từ 12,3%/năm xuống còn 10%/năm, khu vực dịch vụ điều chỉnh tăng từ 16,1 % /năm lên 16,63%/năm và khu vực nông lâm ngư nghiệp sẽ giảm từ 3,6%/năm %/năm xuống còn 2,3%/năm.
Cơ cấu kinh tế của giai đoạn này cũng có sự điều chỉnh, cụ thể khu vực công nghiệp-xây dựng giảm tỉ trọng từ 59% xuống còn khoảng 50%, trong khi ngành dịch vụ sẽ tăng tỉ trọng từ 42,2% lên 47,59%.
Đồng thời, so với quy hoạch năm 2007, tỉnh này sẽ điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu tăng từ 25 tỉ đô la Mỹ lên hơn 68 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng từ 10 tỉ đô la Mỹ lên 32,3 tỉ đô la Mỹ.
Mục tiêu của Bình Dương là đến năm 2020, khi trở thành đô thị trực thuộc trung ương thì tỉ lệ đô thị hóa là 80% với GDP bình quân đầu người là 6.170 đô la Mỹ, quy mô kinh tế năm 2020 gấp 2,4 lần so với năm 2010.