Bộ Công Thương coi cải cách bộ máy là sự kiện nổi bật

1/ Ngành công thương đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (14/5/1951 - 14/5/2016).
Với những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường 65 năm, đóng góp to lớn vào sự vững mạnh của nền kinh tế nước nhà, cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, ngành công thương được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý. 
 
Tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ Công Thương.
 
2/ Thủy điện Lai Châu khánh thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
 
Nhà máy Thủy điện Lai Châu (tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh biên giới Lai Châu) có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng công suất lắp máy 1.200 MW, mỗi năm cung cấp lên hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á.
 
Dự án đã được hoàn thành vượt kế hoạch hơn 1 năm so với dự kiến, làm lợi cho Nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.
 
3/ Đẩy mạnh việc kiện toàn công tác cán bộ và triển khai xây dựng cơ cấu tổ chức mới nhằm khắc phục các vấn đề đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc nhân sự. Phương án xây dựng cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2020 theo hướng giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối.
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương (thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012).
 
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ sẽ thực hiện sắp xếp lại nhân sự theo tổ chức bộ máy mới. Dự kiến việc này sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.
 
4/ Đột phá trong công tác cải cách hành chính: Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ online.moit.gov.vn vận hành; bãi bỏ và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính.
 
Đây được coi là cuộc “cải cách chưa từng có” của ngành công thương trong năm vừa qua. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017.
 
Bộ Công Thương bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý.
 
5/ Giàn khoan Tam Đảo 05 tự nâng do Việt Nam chế tạo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào hoạt động.
 
Công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí PV Shipyard làm tổng thầu, là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia. Đây là giàn tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo.
 
Giàn được thiết kế hoạt động ở độ sâu mực nước biển tới 120 m, khả năng khoan tới độ sâu 9.000 m và có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu được sức gió bão trên cấp 12, chiều cao sóng 22 m.
 
Giàn khoan Tam Đảo - 05 có giá trị 230 triệu USD.
 
6/ Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận hồ sơ đăng ký giao dịch vào ngày 20/10. Theo đó, Habeco sẽ niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán là HBN, loại chứng khoán là cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng đăng ký giao dịch 231,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch 2.318 tỷ đồng.
 
Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 6/12 với mã chứng khoán SAB. Vốn điều lệ Sabeco hiện đạt gần 6.413 tỷ đồng, tương ứng số lượng niêm yết là 641,28 triệu cổ phiếu. Mức giá chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu.
 
7/ Pháp lệnh Quản lý thị trường được ban hành.
 
Ngày 8/3/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng này.
 
Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016.
 
8/ Năm 2016 ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; xuất khẩu tăng trưởng 8,6%, cán cân thương mại thặng dư 2,68 tỷ USD; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,4%.
 
9/ FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.
 
10/ Ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương.
 
Ngày 19/10/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương sau khi có khoảng 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong diện "giám sát đặc biệt".