Bộ Tài chính công khai danh tính doanh nghiệp cổ phần hoá
Theo tổng hợp báo cáo về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 từ 4 bộ, 9 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty nhà nước đặc biệt và 57 địa phương của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20.6.2012 tổng số doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hình thức sắp xếp, cổ phần hóa là 899 đơn vị.
Trong đó, cổ phần hóa 367 đơn vị; giao, bán, giải thể, phá sản, giữ nguyên là công ty TNHH một thành viên, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên 532 đơn vị.
Cũng theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ngay trong năm 2012 này, các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đặc biệt sẽ tiến hành cổ phần hoá 93 đơn vị.
Cả năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, cả nước mới thực hiện cổ phần hoá được 6 doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá tối thiểu 93 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay, công việc còn lại của 6 tháng cuối năm 2012 khá nặng nề.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa năm 2012 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn lại để các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, triển khai thực hiện. Nhưng quan trọng hơn, việc công bố kịp thời danh sách doanh nghiệp cổ phần hoá là nhằm mục đích cho nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân cả trong và ngoài nước biết để tham gia vào quá trình cổ phần hoá.
Theo Danh sách doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá năm 2012 vừa được Bộ Tài chính công bố thì đến thời điểm này mới có 2 bộ công bố danh sách doanh nghiệp nhà nước trực thuộc sẽ tiến hành cổ phần hoá.
Cụ thê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành cổ phần hoá 10 đơn vị, bao gồm, Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ điện, xây dựng nông nghiệp và thủy lợi; Công ty Cơ điện Mê Kông; Công ty Xuất - nhập khẩu nông sản Hà Nội; Tổng công ty Chăn nuôi; Tổng công ty Mía đường I; Tổng công ty Mía đường II; Công ty Thủy sản Hạ Long; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; Công ty Thuốc thú y Trung ương; Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương.
Bộ Công thương tiến hành cổ phần hoá 12 đơn vị, bao gồm, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam; Công ty Caric; Công ty Xuất - nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật; Công ty Cơ khí Duyên Hải; Công ty Cơ khí Quang Trung; Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo; Công ty Diesel Sông Công; Công ty Điện máy; Công ty Xây lắp và vật liệu xây dựng V; Công ty Du lịch và xúc tiến thương mại; Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương; Công ty Điện máy và đầu tư.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiến hành cố phần hoá Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn trong năm nay. Trong khí đó, Tập đoàn Hoá chất đăng ký cổ phần hoá 2 đơn vị là Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam; Công ty Vật tư và xuất - nhập khẩu hóa chất.
Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam đã đăng ký với Bộ Tài chính 9 đơn vị tiến hành cổ phần hoá năm 2012, gồm Công ty mẹ - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng; Công ty Lắp máy điện nước; Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Công ty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải phòng (LISEMCO); Công ty Cơ khí Đông Anh; Công ty Kỹ thuật nền móng và xây dựng 20; Công ty Sản xuất và xuất - nhập khẩu dịch vụ phát triển nông thôn; Công ty Xây lắp và kinh doanh vật tư thiết bị COMA27.
Với 6 đơn vị sẽ cổ phần hoá trong năm nay, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong số các tập đoàn kinh tế đăng ký tiến hành cổ phần hoá trong năm 2012, gồm Tổng công ty Viwaseen; Viglacera; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Công ty Đầu tư phát triển nhà Kiên Giang; Công ty Cơ khí Kiên Giang..
Trong khi đó, các tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt chỉ đăng ký tiến hành cổ phần hoá tổng cộng 15 đơn vị trong năm 2012, gồm Công ty Dịch vụ hàng hải Vinalines Hải Phòng, Công ty Hàng hải Vinalines Nha Trang và Công ty Cảng Khuyến Lương (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam); Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp và Công ty mẹ (thuộc Tổng công ty Xi Măng Việt Nam); Công ty Vật tư và chế biến lâm sản, Ban quản lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Viện nghiên cứu cây NLG (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam); Công ty Sản xuất, thương mại và dịch vụ Quảng Ngãi và Công ty Dịch vụ xuất - nhập khẩu Cà phê II (thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam); Công ty Khoáng sản Lai Châu và Công ty Đầu tư và kinh doanh khoáng sản Vinaconex (thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước).