Brexit có tác động tới FDI Anh - Việt?
Đúng 7 giờ sáng ngày 23/6 theo giờ London, các điểm bỏ phiếu tại Anh đã mở cửa để người dân tham gia trưng cầu dân ý, định đoạt tương lai của đất nước tại Liên minh châu Âu (EU).
Nếu số phiếu nghiêng về lựa chọn cho Anh rời khỏi EU, điều này sẽ khiến nhiều lo ngại, bởi Anh là quốc gia chiếm đến 2,4% tỷ trọng GDP toàn cầu.
Câu hỏi đặt ra là nếu Brexit (Britain và exit) xảy ra, điều này sẽ có tác động gì đến kinh tế Việt Nam ở khía cạnh đầu tư FDI.
Đầu tư mới bị ảnh hưởng
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: Nếu Anh rời EU, chắc chắn sẽ có tác động đến Việt Nam.
“Hiện chúng ta và Anh là đối tác đầu tư. Khi nền kinh tế của Anh thay đổi thì chắc chắn sẽ có tác động đến các ‘bạn hàng’, trong đó có Việt Nam”.
Còn tác động cụ thể thế nào thì hiện vẫn chưa có tính toán cụ thể. Tuy nhiên, giáo sư chỉ ra rằng Việt Nam là đối tác nhỏ của Anh. Số lượng các dự án FDI từ Anh vào Việt Nam không lớn lắm, nên sức tác động cũng sẽ không lớn.
Đặc biệt, theo ông Mại, đầu tư mới có thể bị ảnh hưởng còn đầu tư lâu năm sẽ không có ảnh hưởng gì nhiều. Do Việt Nam ngày càng hấp dẫn trong thu hút đầu tư FDI, những dự án đầu tư lâu năm của BP, Rolls-Royce… vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Hơn nữa, Việt Nam đang có quan hệ chính trị với Anh rất tốt, ông Mại nhấn mạnh.
Lý giải thêm về nhận định việc đầu tư FDI mới sẽ bị ảnh hưởng, ông Mại cho biết khi kinh tế trong nước suy thoái, Chính phủ Anh sẽ coi trọng đầu tư nội địa, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Họ sẽ hạn chế chuyển tiền và công nghệ ra nước ngoài.
Theo số liệu Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 12/2015, Vương quốc Anh hiện đang đầu tư vào 241 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 4.739,3 triệu USD, đứng thứ 15 trong số 110 đối tác đầu tư tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, các công ty Anh thuộc British Virgin Island đã đầu tư vào 623 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn 19.275,31 triệu USD.
Vốn đầu tư của các nhà đầu tư Vương quốc Anh tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 8 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,06 tỷ USD, chỉ chiếm 3,6% về số dự án nhưng chiếm 46,43% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai và thu hút được số lượng dự án nhiều nhất với 79 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,37 tỷ USD, chiếm 35,59% số dự án và 30,98% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3, chiếm 15,58% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hiện các tên tuổi lớn của Anh như Dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, Rolls-Royce, Vodafone, vận tải P&O, GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential… cũng đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam.
FDI từ Việt Nam sang Anh sẽ gặp khó
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thế giới - Viện kinh tế chính trị cũng cho rằng chắc chắn Brexit sẽ tác động đến vấn đề đầu tư Việt Nam – Anh.
Đồng bảng Anh mất giá, nền kinh tế chao đảo, các công ty Anh đầu tư ra nước ngoài họ sẽ phải tính toán lại kế hoạch của họ.
Nhưng đầu tư trực tiếp Anh vào Việt Nam hiện nay không nhiều. Về mặt lý thuyết có thể không tốt, song thực tế những tác động này không đáng kể.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Sơn cho rằng các dự án đầu tư của Việt Nam tại Anh sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
“Trong khi các nước mất nhiều công sức để hội nhập, giảm mọi chi phí thủ tục, tạo ra của cải công ăn việc làm, đột nhiên Anh lại tách khỏi EU sẽ có rất nhiều chuyện rắc rối, thiệt hại. Các nhà đầu tư đang khai thác ưu thế của nhau giờ tách ra sẽ mất những ưu thế. Tất cả các lợi thế cộng hưởng sẽ mất đi. Lúc này, các nhà đầu tư vào Anh sẽ phải thiết lập lại thị trường và mất nhiều thời gian, chi phí cho những thủ tục khác", ông nói.
Theo số liệu Cục đầu tư nước ngoài, lũy kế đến hết năm 2015, Việt Nam có khoảng 1049 dự án đầu tư tại Anh, tổng vốn đăng ký đạt 2.0774,7 triệu USD.
Tuy nhiên tốc độ đầu tư tính theo giá trị có xu hướng giảm sau giai đoạn 2010, chỉ còn đạt 774,8 triệu USD.
Theo nghiên cứu Trường Kinh tế và khoa học chính trị London, sự sụt giảm về FDI liên quan đến Brexit có thể kéo dài 10 năm, kéo FDI vào Anh giảm 22% cùng kỳ.
Nghiên cứu chỉ rằng dòng vốn FDI sẽ tháo chạy khỏi nước Anh do những bất ổn liên quan đến các thỏa thuận thương mại trong tương lai, chi phí hoạt động của các công ty đa quốc gia tăng, hay có thể là việc tiếp cận thị trường chung khó khăn hơn trước.
Tổng FDI vào Anh tính tới thời điểm này đạt khoảng 1.000 tỷ bảng (khoảng 1.418 tỷ USD), 50% trong số này là từ các nước thành viên EU.