Brexit sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

 Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước và Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Brexit sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, nhưng không nhiều, bởi Anh chưa phải là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.

 
Thực tế, thị trường Anh chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch năm 2015 đạt mức 4,65 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong những năm gần đây tăng khá mạnh, đạt gần 17%/năm, do vậy việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, các sản phẩm dệt may, da giày…
 
“Trong EU, Pháp, Đức Anh đang là những bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam, Anh rời EU nghĩa là chính sách của họ sẽ ít nhiều có thay đổi, kinh tế sẽ có những sự sụt giảm nhất định và như thế sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhận định.
 
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cũng đã bày tỏ quan điểm rằng, Brexit có thể khiến đồng bảng Anh xuống giá, dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới. Đồng bảng Anh mất giá thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn. Do đó, nếu những doanh nghiệp có lượng đơn hàng lớn xuất khẩu vào thị trường này, hoặc đang tập trung đơn hàng ở thị trường này có thể sẽ bị ảnh hưởng.
 
Thực tế, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh kết thúc, thị trường tài chính toàn cầu đã rúng động mạnh, với các chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt sâu, trong khi giá những tài sản an toàn như vàng, trái phiếu kho bạc Mỹ và yên Nhật tăng mạnh. Còn tỷ giá bảng Anh thì đã có cú sụt mạnh nhất trong lịch sử, giảm hơn 10% so với USD, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985.
 
Sự sụt giảm của bảng Anh chỉ là một chuyện. Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự kiện Brexit sẽ tạo cú sốc tới kinh tế khu vực đồng euro. Với sự ra đi của nước Anh, EU sẽ mất khoảng 1/6 tổng sản lượng kinh tế của khối. Điều này có thể tác động tới kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong xuất nhập khẩu.
 
Tỷ giá cũng được cho là sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định và vì thế, Ngân hàng Trung ương Anh đã tuyên bố sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính và tiền tệ; các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang chuẩn bị hành động để đảm bảo sự ổn định cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cho biết sẽ theo dõi sát tình hình để có phản ứng kịp thời.
 
Trong khi đó, về đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại khẳng định, chẳng có lý do gì để các nhà đầu tư Anh hiện tại rời bỏ Việt Nam sau một thời gian dài làm ăn thành công tại đây. Trong khi đó, nhiều năm gần đây, Anh cũng không phải là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, họ không có các dự án quy mô lớn như của Hàn Quốc hay Nhật Bản, cũng không gây được sự chú ý của dư luận. Do vậy, dù Brexit có thể tác động tới dòng đầu tư mới từ Anh, song Việt Nam cũng không vì thế mà thu hút đầu tư kém đi.
 
“Anh cũng là một nước đầu tư ra nước ngoài nhiều, nhưng thị trường mà họ ưu tiên lựa chọn không phải là Việt Nam”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
 
Trả lời phỏng vấn của báo giới vào cuối tuần trước, đại diện của Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, việc nước Anh rời khỏi EU chỉ tác động mạnh đến EU, Mỹ và các thị trường lớn của châu Á như Nhật Bản, Singapore. Với Việt Nam, mức độ ảnh hưởng không lớn và cần phải tiếp tục nghiên cứu.
 
Tuy vậy, dù trước mắt, những tác động trực tiếp của Brexit tới kinh tế Việt Nam là chưa lớn, nhưng những tác động gián tiếp là có, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.