Buôn bán với Trung Quốc: Bất lợi do thanh toán

Buôn bán với Trung Quốc: Bất lợi do thanh toán
Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT) hầu như chưa là gì trong con số thanh toán giao dịch thương mại từ trước đến nay. Rất ít doanh nghiệp có tài khoản thanh toán bằng đồng NDT ở các ngân hàng trên địa bàn thành phố. Đồng USD, euro… vẫn được sử dụng thanh toán quốc tế là chủ yếu, còn giao dịch song phương bằng NDT thì cũng rất hiếm.
 
Khó dùng NDT
 
Bà Phạm H., tiểu thương chợ Thái Bình chuyên mua bán ngoại tệ kể, giao dịch NDT đã tăng khá nhiều trong một năm trở lại đây. Theo chỉ dẫn của bà H., chỉ trong khu vực quận 1 với các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão, chợ Bến Thành, chợ Nancy, chợ Tân Định đã có khoảng 22 điểm mua bán và trao đổi NDT.
 
Bà chủ công ty Thanh Thảo thường có các hoạt động mua bán với các công ty Trung Quốc cho biết: “Khó nhất cho doanh nghiệp hiện nay là thị trường không có tỷ giá NDT/USD thống nhất, mỗi nơi đổi mỗi khác nhưng cũng phải chấp nhận thanh toán – trả bằng USD cho đối tác Trung Quốc mỗi khi mua hàng của họ”. Cụ thể theo bà, doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc tính giá bằng NDT, khi trả tiền thì chuyển USD qua ngân hàng, và tuỳ theo tỷ giá của ngân hàng quy đổi bao nhiêu thì chấp nhận bấy nhiêu.
 
Ngân hàng Standard Chartered, vào khoảng cuối tháng 9 qua, trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp các dịch vụ giúp các doanh nghiệp, cơ quan ở Đông Nam Á giao dịch thương mại bằng đồng NDT với các đối tác tại Trung Quốc.
 
Theo tờ Tài chính châu Á của Hong Kong, TTXVN dẫn lại, các dịch vụ Standard Chartered cung cấp bao gồm thanh toán, giao dịch ngoại hối, giao dịch thương mại, chuyển séc bằng đồng NDT ở các thị trường Đông Nam Á, như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, vì chưa có các dịch vụ tiền gửi hay tài khoản vãng lai bằng đồng NDT ở các quốc gia này, nên việc hưởng lợi chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc khi họ sẽ tiết kiệm được những chi phí giao dịch ngoại hối.
 
Tại Standard Chartered Việt Nam, tư vấn cho doanh nghiệp, nhân viên của Standard Chartered Việt Nam cho biết, đến nay tại ngân hàng chưa có giao dịch thương mại nào bằng đồng NDT. Tuy nhiên, sắp tới đây, ngân hàng sẽ triển khai những giao dịch thương mại sử dụng đồng NDT làm đồng tiền thanh toán. Để giao dịch này thực hiện được, doanh nghiệp hai bên phải có tài khoản ở Standard Trung Quốc và Standard Chartered Việt Nam.
 
Lợi thế “kép” của Trung Quốc
 
Đáng chú ý, Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhưng mọi giao dịch nhập khẩu từ Trung Quốc đều phải trả bằng USD. Ông Phạm Văn Tuấn, đầu mối vận chuyển hàng hoá cho doanh nghiệp Việt Nam tại Lào Cai cho biết:
 
“Hầu như tất cả các hợp đồng mua hàng từ Trung Quốc thì doanh nghiệp đều phải trả bằng USD. Phía ngân hàng của Trung Quốc sẽ quy đổi ra tiền NDT để thanh toán cho doanh nghiệp. Ngược lại, hàng xuất qua Trung Quốc thì hầu hết trả bằng đồng NDT. Các chủ hàng lấy tiền NDT về đổi sang tiền Việt hoặc tiền USD tại biên giới. Có người mang về Hà Nội hay Sài Gòn để đổi”. Ở góc độ khác, có thể thấy các doanh nghiệp Trung Quốc luôn muốn bán hàng thanh toán bằng USD. Chủ nhãn hàng thời trang HDM cho biết:
 
“Tôi thường xuyên mua nguyên phụ liệu, cũng như đặt may gia công tại Trung Quốc mang về bán, kinh nghiệm cho thấy mua bằng USD có lợi hơn. Khi đối tác từ Trung Quốc gửi mẫu hàng sang thường niêm yết cả giá USD và giá tiền NDT, nhưng mua bằng giá USD bao giờ cũng rẻ và ổn định hơn. Còn mua theo giá tiền NDT thì giá sẽ thay đổi theo biến động tỷ giá. Mà trong vòng hai tháng trở lại đây, tỷ giá NDT thay đổi liên tục, có ngày đổi đến 3 – 4 lần, làm cho việc thanh toán luôn bị biến động”.
 
Tương tự như vậy, ông Dương Quốc Nam, giám đốc công ty Hoàng Nam – chủ hệ thống siêu thị nội thất Phố Xinh cho rằng: “Trung Quốc rất khôn khéo khuyến khích doanh nghiệp của họ thu hút ngoại tệ".
 
Chẳng hạn như các hội chợ đồ gỗ, khi họ ghi trên sản phẩm “only export” tức khách mua hiểu phải thanh toán bằng USD. Có lần tôi đã đề nghị thanh toán bằng NDT, nhưng tính ra lỗ nặng. Vì nếu trả bằng tiền USD, họ sẽ được chính phủ giảm các khoản thuế, phí, tính ra tuỳ theo mặt hàng, nhà mua hàng có thể giảm giá được 15 – 20%, có lúc lên đến gần 40%”.
 
Việc ưu tiên thanh toán bằng USD khi bán hàng, và bằng NDT khi mua hàng đã tạo ra lợi thế kép cho phía Trung Quốc. Như các thông tin kể trên, thì doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc bằng USD sẽ rẻ hơn, từ khuyến khích được xuất khẩu của Trung Quốc.
 
Ngược lại, khi doanh nghiệp Việt Nam bán hàng sang Trung Quốc, thu về đồng NDT, thì bị thiệt hại. Do khi dùng đồng tiền này để mua lại hàng Trung Quốc thì bị tính giá cao, việc đổi đồng NDT sang USD, doanh nghiệp cũng gặp khó do đồng tiền này chưa được hỗ trợ cần thiết của ngân hàng trong chuyển đổi. Kết cục là, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó.