Các KCN Cần Thơ thu hút gần 2 tỷ USD đầu tư
Hiện trên địa bàn TP. Cần Thơ có 8 KCN tập trung nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt là KCN Trà Nóc I, KCN Trà Nóc II, KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2A, KCN Hưng Phú 2B, KCN Thốt Nốt, KCN Ô Môn và KCN Bắc Ô Môn.
Các KCN này được quy hoạch xây dựng trải dài bên bờ Nam sông Hậu, cặp theo trục Quốc lộ 91 từ TP. Cần Thơ đi An Giang và tuyến đường Nam sông Hậu từ Cần Thơ đi Bạc Liêu. Với vị trí “tiền sông, hậu lộ”, lại nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu nông – thủy – hải sản của cả nước nên các KCN Cần Thơ có lợi thế về thu hút đầu tư.
Tính đến nay, tại các KCX, KCN Cần Thơ có 214 dự án còn hiệu lực, sử dụng 567,19 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,919 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 852,442 triệu USD, chiếm 44,4% tổng vốn đăng ký. Trong số này có 191 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 1,715 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện là 681,128 triệu USD, chiếm 39,7% vốn đăng ký.
Ngoài ra có 23 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 203,576 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là 171,315 triệu USD, chiếm 84,15% vốn đăng ký.
Các dự án hoạt động tại các KCX, KCN Cần Thơ đang giải quyết việc làm cho 31.726 lao động, trong đó có 22.976 lao động chính thức và 8.750 lao động thời vụ.
Trong năm 2014, ước tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCX- CN Cần Thơ đạt khoảng 1.374,695 triệu USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.003,101 triệu USD, dịch vụ thương mại đạt 371,594 triệu USD, xuất khẩu đạt 582,516 triệu USD, tăng 8% so với năm 2013.
Ban quản lý Các KCN, KCX Cần Thơ cho hay, trong giai đoạn 2007-2009, nguồn vốn đầu tư vào các KCN Cần Thơ tăng vượt bậc so với nhiều năm trước đó, lần lượt là 319,776 triệu USD, 689 triệu USD và 268 triệu USD. cũng trong thời gian này, nhiều dự án trọng điểm của vùng do Trung ương đầu tư trên địa bàn TP. Cần Thơ hoàn thành đưa vào sử dụng đã tăng thêm sức hấp dẫn cho thành phố đối với các nhà đầu tư.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Ban quản lý Các KCX- CN Cần Thơ đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế “Một cửa, tại chỗ” trong giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN và KCX Cần Thơ có phần chậm lại do tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý KCX - KCN Cần Thơ cho hay, mô hình KCX, KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao (KCNC) có nhiều thay đổi, các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn, các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN Cần Thơ không còn được hưởng ưu đãi theo địa bàn mà chỉ còn ưu đãi ngành nghề và sản phẩm.
Trong khi đó, thủ tục hành chính “Một cửa” và “Một cửa liên thông tại chỗ” đối với KCN của Việt Nam được đánh giá là tương đối thuận lợi, ưu việt, hấp dẫn và hiệu quả so với các nước trong khu vực, nhưng những năm gần đây, bộ thủ tục hành chính này đang bị thay đổi theo hướng ít thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, từ đó làm hạn chế thu hút đầu tư vào các KCN nói chung, trong đó có các KCN Cần Thơ.
Trong 10 tháng đầu năm nay, các KCN, KCX Cần Thơ thu hút 5 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 48 triệu USD, đồng thời có 14 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 6,8 triệu USD. Ước tổng vốn đầu tư thu hút năm 2014 là 54,8 triệu USD, đạt 78,3% so với chỉ tiêu đề ra.
Mặc dù vậy, với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm của vùng, giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng cả về đường sông, đường bộ, đường biển và đường hàng không, thông thương cả vùng và trong nước, TP. Cần Thơ vẫn được coi là giàu tiềm năng. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn TP. Cần Thơ được xây dựng như sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, tuyến đường Nam sông Hậu, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn…đã tạo động lực cho Cần Thơ phát triển trở thành trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho thành phố trong thu hút đầu tư.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, TP. Cần Thơ đang tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp theo qui hoạch.