Cảng Sài Gòn gây khó, doanh nghiệp thiệt tiền tỷ
Trường hợp tại Tân Cảng Sài Gòn thời gian qua lại thêm một lần khiến các doanh nghiệp khốn đốn.
Tại Tân Cảng Sài Gòn (TCSG), tình trạng hàng hóa qua cảng cũng sụt giảm khoảng 40%. Thực tế này hoàn toàn hợp lý so với tình hình xuất, nhập khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của TP.HCM giảm tương đương ở mức tương đương 11% và gần 30%.
Điều này cho thấy, khó có khả năng xảy ra tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, ông Lê Công Minh, Giám đốc Cảng Sài Gòn lại cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2009 đến nay, cảng đã bốc dỡ hơn 6 triệu tấn hàng (tăng 43% so với cùng kỳ 2008). Đặc biệt, vào trung tuần tháng 4, lượng tàu vào cảng lên tới 50 tàu.
Tắc vì thủ tục
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, giám đốc một công ty trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP.HCM, việc tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng trên địa bàn TP.HCM đã trở thành chuyện “cơm bữa” và là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, chuyện tắc cảng trong thời điểm này với lý do quá tải là không hợp lý. Nguyên nhân chính được ông Đức nhận định là vì thủ tục.
Tại các cảng lớn trên địa bàn TP.HCM, Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) được xem như một "anh cả" trong làng khai thác cảng container Việt Nam. TCSG chiếm trên 65% tổng sản lượng các cảng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và trên 42% tổng sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là nỗi sợ của doanh nghiệp khi bốc dỡ hàng hóa qua hệ thống cảng của đơn vị này.
Ông Trần Văn Tiến, chủ một doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu tại TP.HCM cho biết, tại TCSG có nhiều thủ tục và loại phí rất “quái chiêu”, trong đó nổi bật nhất là việc “đè” các chủ hàng ra để thu phí kẹt tàu (PSC), mà đáng lẽ ra chủ tàu phải chịu. Theo ông Tiến, loại phí này chỉ xuất hiện ở những cảng có số lượng tàu cập bến quá lớn, trong khi năng lực bốc dỡ hàng hoá của cảng hạn chế, khiến các tàu phải xếp hàng dài ngày để chờ đợi.
Theo phân tích của ông Tiến, đối với tàu trên 20.000 tấn, mỗi ngày neo đậu trong cảng phải đóng phí 5.000 USD. Thông thường, thời gian tàu chờ bốc dỡ hàng ở nhiều cảng khác chỉ từ 5 – 7 ngày. Trong khi ở các cảng Sài Gòn, Cát Lái, ICD… lại kéo dài từ 15 – 20 ngày, khiến mức phí lưu tàu bị đội lên cả 100.000 USD. Do mức phí quá cao khiến các chủ tàu buộc phải thu phí PSC từ các chủ hàng để bù lại.
Theo ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, mỗi ngày hàng bị ách lại, phí lưu cảng mà công ty phải trả là 100 USD/tấn. Đó là chưa kể ảnh hưởng đến việc giao hàng cho đối tác theo hợp đồng và lãi xuất ngân hàng. Ông Đức cho biết thêm, mỗi ngày hàng bị kẹt lại cảng, ông phải tốn thêm 50 USD phí kẹt tàu cho mỗi container loại 20 feet và 100 USD cho loại 40 feet.
Doanh nghiệp thiệt tiền tỷ
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyện “lót tay” ở cảng không phải bây giờ mới có, nhưng trong thời buổi làm ăn khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp không thể chịu nổi. Tuy nhiên, nếu không có những khoản “lót tay”, hàng sẽ bị ách lại và thiệt hại còn nặng hơn.
Ông Đức phân tích, mỗi ngày phí kẹt tàu “ngốn” cả ngàn USD, song đó chưa phải là điều quan trọng đối với những hàng thực phẩm tươi. Nếu bị ách lại từ 15 – 20 ngày, cộng tất cả các loại phí có khi chiếm gần 30% giá trị hàng hóa. Với từng ấy thời gian, hầu như lô hàng nào cũng bị hư hao từ 4 – 10%, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”.
Chị Nguyễn Thanh Tâm, trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu của một công ty chuyên nhập khẩu hàng thực phẩm cho biết, mỗi tháng công ty chị nhập về khoảng 300.000 tấn hàng và chi phí phát sinh từ việc bốc dỡ hàng chậm trễ lên đến gần chục tỷ đồng.
Theo giám đốc một doanh nghiệp ngành may mặc, nguyên liệu nhập khẩu đều được tính toán kỹ lưỡng về thời gian để sản xuất cho kịp đơn hàng. Tuy nhiên, với tình trạng ùn tắc tại cảng như hiện nay, nguy cơ phải đền hợp đồng rất lớn nếu không giao hàng đúng hạn.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, ngoài những khoản phí “tức cười” của cảng, doanh nghiệp còn bị thêm “tròng” của các hãng tàu nước ngoài. “Với một doanh nghiệp dệt may quy mô lớn, lượng container xuất nhập qua cảng ở mức 200-300 container/tháng, còn doanh nghiệp nhỏ cũng khoảng 50 -100 container/tháng. Như vậy, mỗi tháng, doanh nghiệp dệt may tốn thêm ít nhất từ 5.000 - 30.000 USD cho khoản phí ách tắc cảng”, giám đốc một doanh nghiệp dệt may nói.