Chất lượng thể chế đang ở đâu?
Quá trình phát triển kinh tế của nước ta trong gần 30 năm đổi mới vừa qua về bản chất chính là quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, thay dần các thể chế cũ bằng thể chế kinh tế thị trường. Không thể phủ nhận những thay đổi cơ bản về thể chế như thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, các thể chế mới trong tài chính, ngân hàng, kinh doanh... chính là nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua.
Khi nền kinh tế thị trường càng phát triển, các hoạt động kinh tế, xã hội càng tinh vi, nếu năng lực thể chế không theo kịp sẽ dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế. Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2008-2013 có phần đóng góp quan trọng của sự chững lại trong quá trình nâng cấp và đổi mới thể chế ở Việt Nam.
Theo các số liệu về chất lượng thể chế của các nước trên thế giới do Ngân hàng Thế giới công bố, chất lượng thể chế Việt Nam trong giai đoạn 2007-2012 hầu như không có cải thiện, nếu không muốn nói là xấu đi (bảng 1, bên trái).
Trong giai đoạn này chỉ có chỉ số về ổn định chính trị luôn trên mức trung bình của thế giới và có cải thiện chút ít trong thời gian qua. Việt Nam hầu như không cải thiện được chất lượng thể chế các trụ cột khác.
Chỉ số tính hữu hiệu của Chính phủ luôn nằm dưới điểm trung bình và trong xu hướng giảm dần. Chỉ số này cho thấy chất lượng dịch vụ công, chất lượng hoạt động của cơ quan chính phủ, chất lượng chính sách và thực thi chính sách, độ tin cậy của các cam kết của Chính phủ trong giai đoạn 2007-2012 đang ngày càng kém dần và nằm dưới mức trung bình.
Tương tự chỉ số chất lượng điều tiết (regulatory quality) cũng giảm đều trong cùng thời gian. Chỉ số này cho thấy năng lực xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân ngày càng kém
Có hai chỉ số thể hiện sự cải thiện khá rõ đó là chỉ số kiểm soát tham nhũng và chỉ số tiếng nói của người dân và mức độ giải trình. Tuy nhiên hai chỉ số này lại đang nằm ở nhóm thấp nhất của thế giới.
Trong bài này chúng tôi cũng thử xem xét tình hình thể chế Trung Quốc là nước có hệ thống thể chế khá tương đồng với Việt Nam và cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang thể chế thị trường. Nhìn chung trong giai đoạn 2007-2013 tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc mặc dù có suy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Các chỉ số phản ánh năng lực của Chính phủ Trung Quốc cũng trong chiều hướng đi xuống và đây cũng là thời kỳ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên điểm nổi bật trong chất lượng thể chế của Trung Quốc là các chỉ số tác động trực tiếp vào các hoạt động kinh tế như “tính hữu hiệu của chính quyền”, “chất lượng điều tiết” luôn cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, trong khi các chỉ số “ổn định chính trị” và “tiếng nói và tính giải trình” lại kém khá xa so với Việt Nam. Điều này có thể ngụ ý rằng, chính tính hữu hiệu của chính quyền và chất lượng điều tiết của Việt Nam đang kìm nén tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Cải thiện các chỉ số này mà không làm xấu đi các chỉ số khác có khả năng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tại Việt Nam.
Nhận thức được những yếu kém và rào cản thể chế đó, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định ba đột phá chiến lược cho thời kỳ 2011-2020, trong đó đầu tiên và quyết định nhất là đột phá về thể chế. Tuy vậy, thực tế ba năm qua cho thấy rõ những vướng mắc cả trong nhận thức, quan điểm, luật pháp và kỹ thuật tiếp tục triển khai các chính sách đổi mới. Những cải cách thể chế chưa đủ mạnh, chưa có tính đột phá để tạo ra được những thay đổi thực chất tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Chính những yếu kém này trong thể chế kinh tế Việt Nam đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và hệ thống các doanh nghiệp nói riêng. Những vấn đề kỹ thuật chúng ta đang bàn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng, trong tái cơ cấu đầu tư công sẽ không thể có tác dụng nếu không có những cải cách mạnh mẽ về thể chế kinh tế trong thời gian tới.