Chia tách dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Hợp phần 1 dài 36 km từ Dầu Giây đến Xuân Lộc do ngân sách nhà nước đầu tư bằng vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi hoàn thành đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để nhượng quyền quản lý, vận hành, khai thác.
Hợp phần 2 dài 62 km từ Xuân Lộc đến Phan Thiết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với WB và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, có trách nhiệm thống nhất với WB về phương án đầu tư, cấu trúc Dự án, bố trí Khoản vay IDA cho Hợp phần 1 trong năm tài chính 2016 để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế khu vực.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết về nguồn vốn vay IDA của WB, bố trí nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để kịp thời triển khai Hợp phần 1.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được triển khai theo hình thức Thiết kế - Xây dựng - Tài trợ - Vận hành - Bảo dưỡng và Chuyển giao sau 30 năm.
Đây là dự án hạ tầng giao thông thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đầu tiên Việt Nam sử dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân, có sự tham gia vốn của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án (VGF) nhằm đảm bảo sự hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư tư nhân. Nguồn tài chính của dự án bao gồm vốn VGF, vốn vay và vốn chủ sở hữu.
Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết có chiều dài 98,7 km, quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ kết nối Đồng Nai với thành phố du lịch ven biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dự kiến, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ có lưu lượng giao thông cao với tuyến dự án đi qua các khu công nghiệp và các công trình cảng biển và sân bay quốc tế sắp được xây dựng.