Chính phủ đã “đánh trúng” kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp

 “Tinh thần cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được làm sâu sắc hơn với chuỗi Nghị quyết số 19. Bên cạnh công tác xây dựng thể chế, Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo, xử lý nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cung nhận xét.

 
Nỗ lực trên đã mang đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,57% trong quý II/2016, đưa tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế lên 5,52%, trong bối cảnh kinh tế - xã hội không chỉ trong nước mà cả toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
 
Chính phủ mới cần tạo dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi cho một nền kinh tế hội nhập và phát triển
 
“Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không được điều chỉnh, dù tình hình có nhiều diễn biến bất lợi hơn so với kỳ vọng vào đầu năm 2016. Quan trọng hơn, Chính phủ đã tái khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho cải cách kinh tế vi mô, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiên định theo hướng đi này giúp duy trì và củng cố dư địa chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó với các diễn biến bất lợi sau này (nếu có), đồng thời tập trung xử lý những vấn đề mang tính nền tảng hơn đối với động lực tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn”, ông Cung bình luận.
 
Thực tế, sau con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm được công bố chỉ ở mức 5,52%, nhiều quan điểm cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là rất khó để đạt được. Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc đã kiên trì mục tiêu này và đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp… nỗ lực để thực hiện kế hoạch đề ra. Thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh cũng là một biện pháp để tạo động lực mới cho nền kinh tế. Cùng với đó, Thủ tướng cũng đã rốt ráo chỉ đạo việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển để “kích” tăng trưởng.
 
Những nỗ lực này, theo CIEM, sẽ mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong quý III/2016. Con số cụ thể được CIEM dự báo, đó là tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%; tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 6,8%; thâm hụt thương mại 0,4 tỷ USD và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng quý III so với quý trước là 1,31%. Những con số cho thấy sự cải thiện so với quý II, song vẫn còn cách khá xa mục tiêu của cả năm và điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam thực sự đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
 
Chưa kể, CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý III có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, như việc Anh rời khỏi EU; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ra quyết định điều chỉnh lãi suất USD và khả năng hạ lãi suất trở lại không còn bị loại trừ. Trong bối cảnh này, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn mà Việt Nam tham gia (như TPP, FTA với EU) sẽ được phê chuẩn trong quý III. Theo đó, những điều chỉnh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị cho việc thực thi có thể bị chậm lại (có thể lùi xuống quý IV) và điều này sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam.
 
“Bởi thế, bộ máy Chính phủ mới cần tiếp tục nhanh chóng bắt tay vào công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thúc đẩy cải cách nền tảng kinh tế”, ông Cung nói và cho rằng, việc các kết quả kinh tế - xã hội trong quý II chưa đạt được kỳ vọng không làm mờ những nỗ lực của Chính phủ, nhưng trong quý III, Chính phủ cần củng cố thêm dư địa chính sách kinh tế vĩ mô để có năng lực ứng phó với các vấn đề/sự kiện phát sinh (khi cần).
 
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế GS. Nguyễn Quang Thái cũng bày tỏ rất nhiều kỳ vọng về một “Nhà nước kiến tạo phát triển” thực sự phát huy hiệu quả. “Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là chúng ta cần ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các tồn tại liên quan đến đầu tư công, nợ công, chứ không chỉ quan tâm tới mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ mới cần tạo dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi cho một nền kinh tế hội nhập và phát triển”, GS. Nguyễn Quang Thái nói.
 
Đề cập các giải pháp dài hơi hơn, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã nhấn mạnh việc tập trung vào cải cách vĩ mô, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu, nợ công và đặc biệt là phải tập trung tái cơ cấu nền kinh tế.
 
“Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều đó đúng nhưng chưa phải là quyết sách hàng đầu. Chúng ta phải làm sao tăng trưởng bằng năng suất, chất lượng, tập trung cải cách và giải quyết các vướng mắc, các điểm nghẽn để tạo dựng được nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn sau”, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.