Chính quyền cơ sở và nỗi lo từ gói kích cầu
Mối quan tâm đầu tiên là kích cầu vào đâu, vào chỗ nào thì hiệu quả nhất, vào chỗ nào sẽ gây ra hiệu ứng tác động phát triển dây chuyền. Tiếp đến là quan tâm ngăn chặn tệ xin-cho lâu nay đã thành vấn nạn bị dư luận lên án nhiều, sợ rằng đây là một cơ hội cho bùng phát trở lại tệ nạn.
Yếu kém của bộ máy thi hành bên dưới cũng là một mối quan tâm khác. Quả là tinh thần trách nhiệm, khả năng quản lý yếu kém, thủ tục rườm rà, quan liêu, của những đơn vị được giao trông coi triển khai gói kích cầu luôn là nỗi lo, lo cho đồng tiền của dân chắt chiu lâu nay có thể “bị ném xuống sông xuống biển”.
Được biết từ phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3-2009 đã có chủ trương dùng 17.000 tỉ đồng kích cầu khu vực nông nghiệp, nông thôn, với trọng tâm là hỗ trợ nông dân mua máy móc và vật tư, bên cạnh đó là hỗ trợ mua một số mặt hàng tiêu dùng. Đây là một định hướng kích cầu đúng đắn, vì khu vực nông thôn chiếm 70% dân số, nếu làm tốt sẽ góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Với thực trạng chính quyền cơ sở hiện nay còn nhiều yếu kém bất cập, muốn cho gói kích cầu đạt hiệu quả phải đồng thời tiến hành các giải pháp nâng cao chất lượng chính quyền cơ sở.
Thứ nhất, cần công khai minh bạch mọi hoạt động của chính quyền trước nhân dân, có cơ chế bảo đảm để cho nhân dân tham gia thảo luận, quyết định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Thứ hai, nâng cao năng lực giám sát của HĐND xã, có cơ chế giám sát thật hiệu quả, biện pháp chế tài nghiêm đủ sức răn đe.
Muốn vậy, về cơ cấu đại biểu nên tính toán một tỷ lệ hợp lý theo hướng mở rộng đại biểu ngoài Đảng, đại biểu là dân, bớt đại biểu quản lý nhà nước để HĐND thực hiện tốt hơn chức năng kiểm tra giám sát.
Thứ ba, triệt để tuân thủ Pháp lệnh dân chủ cơ sở trong mọi hoạt động của chính quyền cơ sở và tuân thủ theo đúng quy định về “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Thứ tư, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút sinh viên được đào tạo bài bản tham gia chính quyền cơ sở.
Thứ năm, thi tuyển công khai, cạnh tranh vào làm công chức xã, thực hiện nghiêm túc quy định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của xã, tiến tới thực hiện dân bầu trực tiếp chủ tịch xã.
Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền, nếu chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức ở Trung ương, tỉnh, huyện mà không quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng, giáo dục đạo đức phẩm chất chính trị, chăm lo chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở phường xã thì sẽ không có một chính quyền trong sạch vững mạnh.
Chính quyền cấp trên dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể làm thay và lấp chỗ trống hụt hẫng. Mọi chủ trương, chính sách pháp luật dù có đúng đắn đến đâu với bộ máy chính quyền yếu kém về năng lực, phẩm chất cũng trở thành méo mó, bị vô hiệu hóa.
Kích cầu là một giải pháp đúng đắn, nhưng với thực trạng con người và bộ máy thực thi hiện nay, nguy cơ không hiệu quả, bị lợi dụng là hoàn toàn có cơ sở. Thiết nghĩ, kích cầu là một cơ hội tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chiến lược, cơ cấu đầu tư, chấn chỉnh sự lỏng lẻo trong quản lý, ngăn chặn thất thoát lãng phí và trên hết là sự cân nhắc và thực thi tái cấu trúc lại bộ máy nói chung trong đó có chính quyền cơ sở.