Chọn kênh đổ vốn

Chọn kênh đổ vốn

Tín dụng sản xuất tăng chậm

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, việc các doanh nghiệp cân nhắc sử dụng vốn vay NH là điều tất yếu. Tuy nhiên, do gỡ bỏ trần lãi suất, các NH đang có điều kiện để thực hiện chính sách giảm lãi suất cho các khách hàng “ruột”, là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thấp. Ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietABank, nhận định với mặt bằng lãi suất này các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện tín dụng sẽ mạnh dạn tiếp cận vốn vay. Năm nay VietABank thành lập một bộ phận riêng để tìm kiếm khách hàng với mục tiêu phải tiếp cận được doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy-hải sản, thực phẩm… Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận để thu hút các doanh nghiệp đến vay vốn, ngoài áp dụng chính sách lãi suất thấp, NH cũng cần có ưu đãi các loại phí trong thanh toán quốc tế. Bởi lẽ, hầu hết các doanh nghiệp đều có các NH “dự phòng” là những NH lớn với vốn tín dụng khá rẻ so với mặt bằng NH nhỏ như VietABank. \

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng khi mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ xuống, vấn đề quan trọng hiện nay là sức vay của doanh nghiệp có tăng hay không. Thực tế, sức mua của thị trường chưa tăng nhiều, nên tín dụng trong những tháng đầu năm chủ yếu từ hoạt động thương mại dịch vụ là chính, còn tín dụng sản xuất chưa tăng nhiều. “Trong quý I tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu của ACB tăng chủ yếu do xuất khẩu gạo đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ quý II và III-2010 hoạt động đầu cơ nguyên vật liệu cho sản xuất của doanh nghiệp sẽ gia tăng, nhất là lĩnh vực sắt thép, hạt nhựa. Riêng với hoạt động xuất khẩu, các ngành như cà phê, thủy-hải sản cũng sẽ bước vào vụ thu mua nguyên vật liệu để sản xuất. Hiện nay các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ nên vay bằng USD. Song nhằm tránh rủi ro, doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường để khi cần thiết có thể chuyển sang vay bằng VNĐ, vì hiện các NH đã triển khai sản phẩm chuyển đổi này” - ông Toàn nói.

Tín dụng ưu tiên xuất khẩu

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các NHTM cần ưu tiên dùng tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp hàng xuất khẩu và dành quỹ ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu vay để nhập nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trong nước. Thực tế hiện nay hầu hết doanh nghiệp đều cho biết năm nay tín dụng sẽ ưu tiên vào lĩnh vực này là chính. Theo một lãnh đạo HDBank, với cơ chế lãi suất thỏa thuận hiện nay, NH chỉ được phép cho vay thỏa thuận đối với những dự án hiệu quả, với điều kiện chặt chẽ; những dự án không hiệu quả sẽ không thể cho vay. Hiện nay HDBank đang có chính sách ưu đãi về lãi suất, hình thức trả vốn gốc và lãi linh hoạt và vốn vay được tài trợ tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư hợp lệ của doanh nghiệp, đảm bảo cung ưng vốn vay kịp thời cho doanh nghiệp.

Theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, từ tháng 5-2010 NH sẽ đẩy mạnh hoạt động tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh Nhà nước đang khuyến khích phát triển như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay NH đang phối hợp với các tỉnh miền Tây và miền Trung để tổ chức hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Lãi suất cho vay sẽ là mấu chốt cạnh tranh ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, để bù đắp việc giảm lãi suất cho vay ở những lĩnh vực ưu tiên, nhiều NH nhỏ thừa nhận sẽ gia tăng tối thiểu 70% tỷ trọng để bảo đảm mức chênh lệch lãi suất bình quân đầu vào đầu ra tối thiểu 4%/năm. Đối với những lĩnh vực ưu tiên được vay lãi suất rẻ, NH sẽ thực hiện việc bán kèm dịch vụ khi cấp tín dụng cho khách hàng. NH này sẽ đưa nội dung sử dụng dịch vụ NH trở thành điều kiện bắt buộc khi thiết lập quan hệ tín dụng với khách hàng.