Chống lạm phát, cần giải quyết 4 tồn tại

Mặc dù đánh giá cao những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhằm kiềm chế lạm phát, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông John Hendra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam vẫn nhấn mạnh bốn vấn đề còn tồn tại phải xử lý để việc kiềm chế lạm phát đạt hiệu quả hơn.

Ông có nhận xét gì về những hành động của Chính phủ Việt Nam đã thực hiện thời gian qua nhằm kiềm chế lạm phát? Và theo ông, còn những quan ngại gì?Ông John Hendra - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam

Việt Nam đã và đang phải đối mặt với áp lực lạm phát nặng nề hơn so với đa số các nước khác trên thế giới. Tất nhiên, lạm phát ở Việt Nam phần lớn do yếu tố toàn cầu, vì giá dầu và lương thực thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, cũng có các yếu tố bên trong về tài khóa và tiền tệ. Các biện pháp được Chính phủ thực hiện kể từ sau Tết Nguyên đán nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát là những nỗ lực đáng được khen ngợi. Đặc biệt, Nghị quyết 11 là một bước ngoặt không chỉ trong hoạch định chính sách mà còn trong tư duy chính sách.

Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn tồn tại tập trung ở một số vấn đề: Thứ nhất, Nghị quyết 11 cần được thực thi đầy đủ và quyết liệt hơn. Ưu tiên kiểm soát lạm phát cần tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ mà chưa nên nói đến tăng trưởng trong lúc này. Thứ hai, Chính phủ nên quan tâm hơn đến đối tượng người nghèo và có những trợ giúp cho những người rất nghèo. Chúng tôi quan ngại những người nghèo di cư không tiếp cận được với các trợ giúp này. Thứ ba là mạng lưới trợ giúp xã hội. Thứ tư, cần làm sáng tỏ quyết định cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách thường xuyên sẽ nhằm vào những khu vực hay lĩnh vực nào? Đồng thời, cần đảm bảo tính hiệu quả lớn hơn của hoạt động đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực.

Áp lực liên quan đến việc giảm tỷ giá hối đoái giữa VND và ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ thấp và thâm hụt thương mại cao vẫn là những mối quan ngại lớn. Ngành tài chính - ngân hàng tiếp tục là một ngành có nguy cơ cao, do tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao và tình trạng này cần được kiềm chế một cách cẩn trọng. Mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng xuống 20% cần đặt ra một chỉ tiêu thấp hơn, cụ thể hơn và cần đặt trọng tâm vào việc giảm tăng trưởng tín dụng ở các doanh nghiệp nhà nước chứ không phải ở khối doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông có gợi ý gì cho Chính phủ Việt Nam để kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô?

Thứ nhất, Nghị quyết 11 là một gói giải pháp tốt nhưng cần thực hiện quyết liệt, không nên chuyển mục tiêu chống lạm phát quá nhanh. Cần phải tiếp tục chiến đấu với lạm phát trong vài tháng tới cho đến khi thực sự giảm nhiệt.

Thứ hai, tiếp tục hạn chế ảnh hưởng của lạm phát bằng cách giúp đỡ người nghèo.

Thứ ba, đầu tư công cần được tư nhân hóa.

Thứ tư, thông tin đến công chúng cần minh bạch, rõ ràng: chính sách này là gì, tại sao phải tiến hành chính sách đó. Cần thông tin cho các gia đình Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là thông tin minh bạch đến người dân để giảm lạm phát kỳ vọng. Chính phủ cần cởi mở và minh bạch hơn trong các thảo luận về chính sách, tại sao các chính sách được áp dụng.

Còn nhìn về dài hạn, Việt Nam sẽ đối mặt với những vấn đề gì, thưa ông?

Việt Nam phải giải quyết một số vấn đề như: cần phối hợp các chính sách, có thêm các nguyên tắc trong đầu tư công, giải quyết các thách thức thuộc về cấu trúc nền kinh tế và phải đặc biệt chú ý tới vấn đề hiệu quả đầu tư. Việt Nam đang có ICOR rất cao, cần giải quyết vấn đề này bằng cách tăng cường hiệu quả đầu tư và thúc đẩy tiến trình tư nhân hóa mạnh hơn.

Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình, các bạn đã làm rất tốt, nhưng rõ ràng hiện mới là mức đầu của giai đoạn thu nhập trung bình. Vì vậy, cần đảm bảo tất cả các khoản đầu tư phải đúng chỗ và đạt hiệu quả cao nhất.