Cổ đông “hai vai”: Hậu quả khôn lường
Người phải gánh chịu rủi ro từ việc cho vay không theo quy định an toàn vốn nhằm phục vụ lợi ích số ít cổ đông chính trước hết là các cổ đông đại chúng của ngân hàng, sau đó là khách hàng gửi tiền.
Trường hợp xảy ra thua lỗ, phá sản dẫn đến rủi ro cho người gửi tiền thì hậu quả sẽ vô cùng lớn đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế. Có thể trả lời ngắn gọn như thế về rủi ro khi ngân hàng phục vụ lợi ích của cổ đông chính. Và chuyện này thì ai cũng biết.
Tuy nhiên, NHNN dù có đủ quy định và công cụ xử lý cũng khó theo sát hoạt động tín dụng của từng ngân hàng. Điều này giải thích cho việc vì sao nhiều NHTM cổ phần cùng chung chủ sở hữu với các công ty bất động sản vẫn thoải mái rót vốn cho dự án của các công ty này dưới nhiều hình thức, còn việc trả nợ là một dấu hỏi lớn.
Có luật thì có cách lách!
NHTM Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là một ví dụ. Tập đoàn tư nhân T&T là cổ đông sáng lập, góp 22% vốn điều lệ ban đầu và hiện là cổ đông lớn nhất của SHB.
Cả T&T và SHB cùng được thành lập bởi một nhóm nhỏ cổ đông chính - những người nắm phần lớn cổ phần ở 2 doanh nghiệp này. Tập đoàn T&T lại có nhiều công ty thành viên hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó có T&T Land đầu tư vào bất động sản.
Năm 2008, thông qua T&T (vì ngân hàng không được góp vốn đầu tư vào bất động sản), SHB góp vốn với Tập đoàn Tuần Châu, công ty mẹ của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Tây, để thành lập Công ty Cổ phần Hồng Việt với mục đích đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây. Dự án được khởi công ngày 25.2.2008 với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.
Một nhà đầu tư bất động sản (không muốn nêu tên) cho biết SHB đã giải ngân khoảng 200 tỉ đồng cho Tuần Châu Hà Tây trong 2 năm 2009-2010. Tuy nhiên, cho đến nay dư nợ của dự án này tại SHB vẫn là 50 tỉ đồng. Trong khi đó, tiến độ của dự án Tuần Châu Hà Tây chậm hơn kế hoạch ban đầu và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cũng theo nhà đầu tư nói trên, ngay cả một số mối quan hệ ngoại giao của chủ đầu tư được ưu tiên đăng ký mua biệt thự lúc dự án chưa khởi công nay cũng đã rút tiền đặt cọc về.
Ngoài Tuần Châu Hà Tây, cũng với hình thức góp vốn, SHB còn tham gia cùng Tập đoàn Tuần Châu lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư T&H Hạ Long, rót vốn cho dự án The Long Châu trên đảo Tuần Châu (Hạ Long). Tổng vốn đầu tư dự án khoảng gần 5.700 tỉ đồng.
Như vậy, Tập đoàn T&T đã góp vốn vào một số công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư T&H Hạ Long, Công ty Cổ phần Tuần Châu - Hà Tây với mục đích đầu tư vào các dự án bất động sản lớn.
SHB cũng tham gia cho vay các dự án này, song nguồn vốn SHB giải ngân cho dự án, việc trả nợ và tỉ lệ nợ xấu từ các khoản vay này không được công khai. Một vấn đề khác là liệu có chuyện các cổ đông chính của ngân hàng đồng thời là nhà đầu tư chính của những dự án trên hay không?
“Nếu cổ đông chính của ngân hàng đồng thời là nhà đầu tư chính dự án bất động sản, tức vừa góp vốn vừa dùng vốn ngân hàng cho vay, thì việc dư nợ bất động sản không minh bạch rất dễ xảy ra”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét.
Trên thực tế, nhiều NHTM cổ phẩn đã có khách hàng kiểu như vậy. Chẳng hạn, NHTM Cổ phần Đại Dương (OceanBank) có khách hàng quen là “người nhà” - Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH). Công ty này là chủ đầu tư của nhiều dự án địa ốc đòi hỏi vốn lớn.
Theo ông Võ, nếu nhiều dự án bất động sản như vậy gặp trục trặc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dư nợ của các ngân hàng. Điều này có lẽ còn liên quan đến việc công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch (Mỹ) vừa đưa ra dự đoán tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam ở mức 13% tổng dư nợ, nghĩa là rất cao.
Cổ đông chính lợi lớn
Những năm vừa rồi các NHTM đều báo cáo lãi lớn. Không hiểu họ kiếm tiền kiểu gì và đó có phải là lãi thực hay không? Vấn đề nợ xấu, đảo nợ được giải quyết như thế nào? Đây là băn khoăn của một chuyên gia kinh tế nhiều kinh nghiệm (không muốn nêu tên).
Nếu nhìn trên sổ sách của ngân hàng, ta thấy ngân hàng vẫn có lãi, vì kỳ vọng con nợ sẽ trả nợ đúng hạn. Và ngân hàng cứ vô tư công bố số lãi hàng năm. Nhưng trên thực tế, số tiền lãi (và cả vốn) đó đang tồn đọng ở các dự án dở dang, ở các sản phẩm chưa hề tồn tại”. |
Ông cũng tự hỏi các báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp nói chung cũng như ngân hàng nói riêng đáng tin cậy đến đâu là điều ít ai biết. Và liệu số lãi cực kỳ cao của ngân hàng là lãi thực hiện, hay chỉ trên sổ sách? Gần đây một định chế tài chính quốc tế có uy tín đã phát hiện ra một tập đoàn ở Việt Nam (không tiện nêu tên ở đây) báo cáo lợi nhuận năm trong khi một số dự án chưa hoàn tất.
Trở lại vấn đề động cơ cũng như tác động méo mó của việc ngân hàng cho vay vì lợi ích cổ đông chính, vị chuyên gia (không muốn nêu tên) giải thích, chủ đầu tư khi lập nghiên cứu khả thi của dự án đã phải tính toán kỹ các yếu tố.
Và quyết định đầu tư phải theo lộ trình đã định ra dựa trên nghiên cứu này. Nếu thời gian xây dựng kéo dài hơn dự kiến, kéo theo thời gian đưa dự án vào khai thác và tạo ra nguồn thu bị chậm thì khả năng sinh lời của dự án bị sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu. Điều này thậm chí có thể biến dự án từ khả thi thành bất khả thi.
Đối với các dự án sử dụng nhiều vốn vay và thời gian hoàn vốn chậm như bất động sản lại càng nguy hiểm hơn.
Theo vị chuyên gia này, nếu không nhanh chóng tạo ra sản phẩm, hoặc có sản phẩm nhưng chưa bán được, dự án có thể sụp đổ nếu không tìm được nguồn tiền để trang trải các chi phí thường xuyên và trả nợ ngân hàng.
Ông nói: “Trong trường hợp này, nếu nhìn trên sổ sách của ngân hàng, ta thấy ngân hàng vẫn có lãi, vì kỳ vọng con nợ sẽ trả nợ đúng hạn. Và ngân hàng cứ vô tư công bố số lãi hàng năm. Nhưng trên thực tế, số tiền lãi (và cả vốn) đó đang tồn đọng ở các dự án dở dang, ở các sản phẩm chưa hề tồn tại”.
Đánh giá vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, NHNN quy định ngân hàng chỉ cho vay nếu thẩm định được tính minh bạch và an toàn của dự án. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên tắc, còn trên thực tế NHNN không thể can thiệp vào các hoạt động nghiệp vụ của NHTM.
Tương tự, về nguyên tắc các ngân hàng chỉ cho vay khi dự án là khả thi. Không ai dám cho vay khi dự án không khả thi. Nếu NHNN có quy định thì chắc chắn NHTM sẽ có cách chứng minh rằng dự án họ cho vay là khả thi.
Đối với các NHTM Việt Nam, quyết định cho vay của hội đồng quản trị lại bị thao túng bởi các cổ đông lớn, nên việc hội đồng quản trị xét duyệt khoản vay không còn mấy ý nghĩa. |
Vị chuyên gia kinh tế cho biết, đối với các NHTM Việt Nam, quyết định cho vay của hội đồng quản trị lại bị thao túng bởi các cổ đông lớn, nên việc hội đồng quản trị xét duyệt khoản vay không còn mấy ý nghĩa.
Thực tế, cổ đông lớn có thể thao túng hoạt động của ngân hàng nếu kiểm soát không nghiêm. Tuy nhiên, số vốn họ bỏ ra - một phần trong vốn điều lệ của ngân hàng - không đáng kể so với tổng tài sản của ngân hàng - là tiền huy động của khách hàng. Như vậy, họ chỉ bỏ ra khoản tiền vừa phải, nhưng lại dễ dàng tiếp cận được một nguồn vốn khổng lồ.
Bóng trong chân NHNN
Khống chế chặt tín dụng phi sản xuất thông qua cơ chế kiểm soát, giám sát thường xuyên của NHNN đối với NHTM là giải pháp mà Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ đề xuất. Đây là việc phải làm, nhưng liệu hiệu quả sẽ đến đâu khi NHTM vẫn tìm cách che đậy.
Có ý kiến cho rằng NHNN có thể quy định tỉ lệ tối đa một NHTM được cho cổ đông của mình vay. |
Vị chuyên gia kinh tế (không muốn nêu tên) kiến nghị một cách làm khác. Đó là NHNN có thể quy định tỉ lệ tối đa một NHTM được cho cổ đông của mình vay. Thông tin về các khoản cho vay lớn đó phải được thông báo tới tất cả các cổ đông, dù là cổ đông chỉ sở hữu 1 cổ phiếu.
Ông giải thích thêm rằng, thông tin về việc cho cổ đông vay cũng là cơ sở để khách hàng quyết định có tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng hay không. Nó cũng giúp NHNN dễ dàng quản lý các NHTM hơn. NHNN chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên tỉ lệ cho vay này là đủ, không phải kiểm tra từng dự án.
Cuối cùng, ông cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp vì đó là công cụ chính của quản lý. Muốn các ngân hàng nâng cao tính minh bạch, Nhà nước phải thiết lập được cơ chế buộc họ phải làm như vậy.
Phó tổng giám đốc một NHTM (không muốn nêu tên) cũng đồng tình: “Nếu NHNN cứng rắn, làm đúng quy định và thẩm quyền của mình thì chỉ cần thông qua một vài vụ điển hình sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc cảnh báo, ngăn chặn tình trạng tái diễn”.