Công thức đầu tư: 50% đưa vào NH, còn 50% ở các kênh đầu tư khác
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, có nhiều người phân vân không biết đầu tư vào đâu để có thể vừa giữ được giá trị tài sản, vừa có thể tìm thêm lợi nhuận. Mang câu hỏi này đến ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ.
Khi xem xét một kênh đầu tư, điều kiện đầu tiên người đầu tư cần đó là đảm bảo nhu cầu "giữ của", vì trong bối cảnh hiện nay, giữ cho giá trị tài sản không giảm đi đã là tốt lắm rồi. Khi giữ của, người ta có khuynh hướng bỏ tiền vào 4 thứ: vàng, tiền (bao gồm các loại ngoại tệ mạnh), bất động sản, và đồ cổ. Bốn thứ này đều cùng có thuộc tính chung là cầu luôn lớn hơn cung.
Vàng không chế tạo được trong phòng thí nghiệm cho nên cầu luôn có nhưng cung không tăng, đất không thể sinh ra thêm, đồ cổ càng để lâu càng lên giá, và cuối cùng tiền thì cầu là vô tận nhưng cung phải theo nguyên tắc.
Đầu tư kiếm lợi nhuận trên những kênh này, đầu tiên giải quyết vấn đề giữ của, nhưng về lâu dài không bao giờ lỗ. Ví dụ vàng 1.700 đô la Mỹ/ounce là rất đắt nhưng so với sự biến động của thời giá thì là không đắt. Tính về đầu tư thời gian thật dài thì không bao giờ lỗ nếu đầu tư vào 4 kênh này. Cho nên, muốn giữ của thì vàng, ngoại tệ mạnh, bất động sản là nên có trong danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói đến việc đầu tư trong thời gian từ nay đến cuối năm thôi thì cần phân tích mặt được và không được của các kênh đầu tư.
Kênh tiết kiệm: Hiện nay gửi tiền đồng đang có lợi hơn gửi đô la Mỹ, tuy nhiên gửi tiền ngân hàng sẽ bị lãi suất thực âm, bởi theo luật hiện nay lãi suất là 14% nhưng lạm phát 20%, nên sẽ bị âm 6%. Thế nhưng tình hình kinh tế hiện nay đầu tư vào ngành nào thì cũng âm, vì thế mới gọi là khủng hoảng.
Ví dụ đầu tư ngành ngân hàng được cho là có lợi nhưng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ từ 10-15% và so với lạm phát thì coi như không lãi. Gửi tiền vào ngân hàng chỉ phải chịu rủi ro chính sách, như CPI xuống hay người ta cố tình nới tiền ra, điều này không đoán được. Nhưng đổi lại, gửi tiền vào ngân hàng có 4 cái lợi: rất an toàn, độ âm so với lạm phát không nhiều, chính sách khó thay đổi về mặt lãi suất từ nay đến cuối năm, thanh khoản cực kỳ tốt, và đặc biệt có thêm chi phí cơ hội.
Kênh vàng: Từ nay đến cuối năm, có 2 tác nhân lớn tác động lên giá vàng đó là biến động của nền kinh tế thế giới và tính đầu cơ. Tuy nhiên, đưa tiền vào vàng thời điểm này mang ý nghĩa giữ của nhiều hơn chứ kiếm lời thì không cao. Giá hiện nay đã hơn 40 triệu đồng/lượng, khả năng để vàng lên hoặc xuống giá là 50-50. Nếu xuống thì lợi nhuận sẽ bị âm nặng, nhưng khi giá tăng trừ đi lạm phát thì mức âm vẫn chỉ xấp xỉ tiền gửi, đó là chưa kể rủi ro giá xuống. Vì vậy, đầu tư vàng chỉ có ý nghĩa lâu dài, còn từ nay đến cuối năm thì chưa chắc, chưa kể người đầu tư phải có khả năng phân tích.
Kênh chứng khoán: Bố cáo quí 2 của hầu hết các doanh nghiệp trên sàn vẫn lãi nên xét về lâu dài, đây vẫn là kênh đầu tư tốt và vẫn đang có những quỹ đầu tư mua vào và đánh giá cao chứng khoán Việt Nam. Chứng khoán hiện đang gặp rủi ro hệ thống, đó là dù doanh nghiệp có đang tốt nhưng liệu có thể chịu đựng được bao lâu với điều kiện kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, nếu bây giờ nhảy vào mua, sau đó chờ 2-3 năm thì chắc chắn sẽ thắng, còn chỉ đến cuối năm thì không thể nào thắng được. Lý do là thanh khoản thị trường đang quá kém, và nền kinh tế không khởi sắc nên thị trường chứng khoán không hồi phục được. Chỉ còn cách chờ đợi tình hình vĩ mô được cải thiện, và chỉ có người có khả năng phân tích mới có thể trụ được ở kênh đầu tư này.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, người giỏi là người có thể thiết chế được danh mục đầu tư chứ không phải biết đưa tiền vào đâu. Nếu phải đưa ra công thức chung, thì 50% đưa vào ngân hàng, còn 50% sẽ rình rập các cơ hội ở các kênh đầu tư khác.