Cú hích cho dòng chảy vốn đầu tư sang Lào và Campuchia

 Sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường Campuchia, cuối tháng 5/2016, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa Nhà máy Sữa Angkor, vốn đầu tư 23 triệu USD, đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất tại quốc gia có hơn 15 triệu dân này.

Được xây dựng trên tổng diện tích gần 30.000 m2, Nhà máy Sữa Angkor trong giai đoạn I sẽ có công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Giai đoạn II (đến năm 2024), Nhà máy sẽ tăng công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm để phục phụ nhu cầu sử dụng tăng cao của người dân tại Campuchia và khu vực.
 
“Nhà máy Sữa Angkor được đầu tư trang thiết bị hiện đại từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, sẽ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người dân Campuchia và khu vực trong nhiều năm tới, giúp người tiêu dùng Campuchia được sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tại chính đất nước này”, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamilk đã cho biết.
 
Còn ông Thạch Dư, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, khi tham dự Lễ khánh thành Nhà máy Sữa Angkor đã hồ hởi nhấn mạnh, nhà máy này chính là sự khởi đầu cho việc hình thành ngành công nghiệp sữa của Campuchia.
 
Thực tế, không chỉ dự án của Vinamilk, mà nhiều dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cũng có tính chất “mở đường” cho các ngành kinh doanh tại thị trường này, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia. Những ví dụ điển hình là Dự án Metfone của Viettel tại Campuchia, cũng như các dự án trồng cao su, khai khoáng hay phát triển thủy điện tại đây.
 
Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế tính đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án, với 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư tại Campuchia. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 5 quốc gia có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Angkor Milk, Metfone có thể được xem là một trong những minh chứng điển hình cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia.
 
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại thị trường Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng đổ vốn vào đây. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư 258 dự án tại Lào, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5 tỷ USD. Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Thực tế, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã liên tục tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Nhiều dự án đầu tư tại Lào của doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hoạt động hiệu quả, như các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Viettel, hay các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Dự án Tổ hợp sân golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành…
 
Năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đã đưa Sân bay ở Attapeu vào hoạt động. Cũng trong năm 2015, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đạt 2.314 tỷ đồng. Trong khi đó, mạng Unitel do Viettel liên doanh với Lao Asia Telecom triển khai đã trở thành mạng viễn thông chiếm thị phần lớn nhất tại Lào, với trên 53%. Đây cũng là một trong những điển hình thành công trong đầu tư sang Lào của doanh nghiệp Việt Nam.
 
“Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần chuyển giao các công nghệ mới, trình độ tiên tiến đưa vào Lào, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động Lào có tay nghề, tiếp thu kỹ năng lao động và quản trị mới, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần tăng thu cho ngân sách Lào trên 250 triệu USD, hỗ trợ trên 70 triệu USD cho an sinh xã hội Lào”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư sang Lào (AVIL) cho biết.
 
Vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào và Campuchia vẫn đang tiếp tục chảy. Thông tin cho biết, Đề án Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào - Campuchia vẫn đang được xây dựng, nhằm làm sao đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư này. Hơn thế nữa, một điều không thể thiếu là làm sao thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt tại Lào và Campuchia. Hiện tại, dù vốn đăng ký đầu tư sang Lào khoảng 5 tỷ USD, nhưng thực tế mới chỉ có 2,2 tỷ USD được đưa vào thực hiện.
 
Cải thiện thủ tục cấp phép đầu tư giữa hai bên, thúc đẩy triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai nước, cũng như tích cực, kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia là đề xuất đã nhiều lần được các doanh nghiệp Việt Nam đề cập. Giải quyết được các nút thắt này, dòng chảy vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào, Campuchia chắc chắn sẽ mạnh hơn nữa.