Cung cấp kho dầu khí nổi lớn nhất từ trước tới nay
Ngày 20/11, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Công ty điều hành chung Hoàng Long (HLJOC) và Liên danh Vietsovpetro-Bumi Armada (Malaysia), đã tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp kho nổi chứa và xử lý sản phẩm dầu khí phục vụ công tác phát triển mỏ Tê Giác Trắng.
Thời gian HLJOC thuê lại kho nổi này kéo dài trong 7 năm với tổng trị giá khoảng 700 triệu USD. Dự kiến, ngày 30/6/2011, kho nổi sẽ chính thức đi vào hoạt động, phù hợp với kế hoạch phát triển mỏ Tê Giác Trắng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Theo hợp đồng, Bumi Armada sẽ thực hiện việc mua tàu, cải hoán tàu thành kho nổi FPSO và cho thuê tàu trần trong thời gian 7 năm, Vietsovpetro sẽ thực hiện việc đưa kho nổi này vào vị trí, lắp đặt, chạy thử và vận hành, bảo dưỡng trong thời gian 7 năm.
Cụ thể, riêng phần thiết kế, mua sắm, lắp đặt hệ thống neo, ống mềm trị giá 70 triệu USD và 85 triệu USD cho công tác vận hành sẽ góp phần đóng góp vào doanh thu về dịch vụ của PVN. Dự án này là một phần giúp Vietsovpetro mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng vốn và kỹ thuật cao của đối tác nước ngoài và đồng thời tận dụng tối đa năng lực thiết bị thi công biển, cơ sở hạ tầng dịch vụ trên bờ, kinh nghiệm và nhân lực vận hành.
Kho nổi (FPSO) là tàu chứa dầu khổng lồ có sức chứa 1 triệu thùng dầu với công suất xử lý 45.000 thùng dầu/ngày, 75.000 thùng nước vỉa/ngày, 85.000 thùng nước ép vỉa/ngày và 100 triệu cubic feed khí đồng hành/ngày sẽ do Liên danh Vietsovpetro và Bumi Armada (Malaysia) cùng hợp tác cung cấp cho Công ty Điều hành chung Hoàng Long (HLJOC) thuê lại.
Lắp đặt tại mỏ Tê Giác Trắng, kho nổi FPSO sẽ được nối với giàn nhẹ WHP-H1 bằng 4 đường ống khai thác, 1 đường gaslift, 1 đường nước ép vỉa. Ngoài ra còn có một đường khí đồng hành được nối vào đường khí từ mỏ Hải Sư Đen của Công ty Điều hành chung Thăng Long đưa khí về mỏ Bạch Hổ để nén vào bờ.
Kho nổi FPSO cung cấp cho HLJOC được cải hoán từ tàu chở dầu 12 năm tuổi Jag Layak loại Suezmax. Công việc cải hoán sẽ hoàn thành sau 22 tháng tại nhà máy Kepple Shipyard (Singapore). Việc lựa chọn nhà cung cấp FPSO đã được HLJOC tiến hành qua một cuộc đấu thầu quốc tế với 17 nhà thầu tham gia vòng sơ tuyển và 8 nhà thầu vòng chung kết. Liên danh Bumi Armada-Vietsovpetro đã trúng thầu bằng kết quả kỹ thuật tốt nhất (trong đó, có giải pháp neo và ống mềm cho vùng biển nước nông, điều kiện địa chất công trình và thủy văn phức tạp) với giá cả cạnh tranh nhất, đồng thời có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất, phù hợp với chủ trương phát triển nội lực của PVN.