"Dài cổ" chờ nhà ưu đãi
Trời mưa xối xả. Con đường dẫn vào khu công nhân ở trọ lớn nhất Hà Nội - làng Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) lõm bõm nước, bùn đất ngập ngụa. Mỗi lần mưa lớn, xóm trọ của Ánh lại nháo nhác lên vì nhà bị dột. Nước mưa theo những lỗ hổng trên mái lợp tấm ximăng rơi bộp bộp xuống nền nhà. Ánh với tay buộc lại tấm nilông trên đình màn để chống dột. Hai cô bạn cùng trọ cũng thu vội đống quần áo ngoài dây phơi.
Trong căn phòng vỏn vẹn chừng 10m2 kê ba cái chậu, một cái kê trên nóc tủ quần áo, hai cái kê dưới nền nhà để hứng nước mưa. "Đêm qua tụi em làm ca. Sáng nay nghỉ ở nhà, cứ tưởng được ngủ ai ngờ mưa hành mình thế này" - Ánh nói...
Xóm trọ lụp xụp
Ánh, Nụ và Bình quê đều ở Thái Nguyên. Họ gắn bó với phòng trọ này đã hai năm, khi cả ba cùng được Công ty Canon tuyển dụng. Căn phòng chật chội, chỉ đủ kê một giường đôi, tủ quần áo cùng một góc bếp nhỏ đã chiếm hết cả lối đi. Phòng thấp lè tè, trời nắng thì hầm hập nóng, trời mưa thì dột. Chi phí cho chỗ ở tháng nào cũng chiếm một phần không nhỏ khoản lương eo hẹp của họ. "Tiền nhà mỗi đứa 120.000 đồng chưa kể điện nước" - Ánh kể.
Phần lớn những công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long phải sống trong những căn nhà trọ xây vội, tạm bợ, dột nát và ẩm thấp. Nhiều gian trọ chỉ rộng hơn 10m2 nhưng có 4-5 người chen chúc cùng nhau ở.
Và giấc mơ được ở nhà ưu đãi
Ngay bên xóm trọ của Ánh, hàng chục tòa nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ đang mọc lên dang dở, sáu tòa nhà trong số đó đã được xây hoàn chỉnh, khá bề thế, hoành tráng và tiện nghi. Tuy nhiên những công nhân cũ gắn bó với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long từ nhiều năm qua vẫn chưa được hưởng lợi từ chủ trương xây nhà ở cho người lao động. Lý do: các công ty tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thường ưu tiên nhà ở cho công nhân mới.
Cách đây hơn một tháng các công ty như Hoya, Canon, Nissei VN, Panasonic... đã đưa hàng loạt công nhân mới tuyển dụng vào ở với nhiều ưu đãi mà chỉ phải đóng thêm 50.000 đồng tiền thuê nhà mỗi tháng. Theo lý giải của các công ty, do số lượng nhà mới có hạn nên ban đầu sẽ ưu tiên những công nhân mới còn bỡ ngỡ vào ở.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều công nhân phải "dài cổ" chờ được ở nhà ưu đãi là do hàng loạt dự án nhà ở tại đây triển khai quá chậm chạp. Trước đó năm 2006, UBND TP Hà Nội đã cho triển khai dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Dự án có qui mô 16ha với 26 tòa nhà cao năm tầng, tổng mức đầu tư 560 tỉ đồng. Theo dự kiến thì đến giữa năm 2008, 26 tòa nhà sẽ hoàn thành để đón khoảng 9.000 công nhân vào ở, tuy nhiên đến nay mới có 6/26 tòa nhà hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do giá cả vật liệu tăng chóng mặt khiến nhiều nhà thầu không chịu nổi, thi công chậm chạp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra không mặn mà với "miếng bánh" xây nhà ở xã hội, vì đầu tư thì lớn trong khi đó lợi nhuận thu hồi lại thấp và chậm.