Đại sứ Nhật bị sốc vì công nghiệp phụ trợ Việt Nam

Cuối tháng 2 năm ngoái, khi đi thị sát một số doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu, Đại sứ Mitsuo Sakaba nhận ra rằng VN vẫn phải nhập từ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á lân cận nhiều loại phụ tùng, linh kiện.

 "Tôi đã rất ngạc nhiên khi được biết VN chỉ cung cấp được thùng các-tông và tôi đã bị sốc khi nghe nói rằng, các doanh nghiệp sản xuất rượu của Nhật Bản còn phải nhập khẩu đến cả chai rượu".

Đại sứ dẫn ví dụ nếu độ dày của chai thủy tinh không đều sẽ ảnh hưởng đến lượng rượu chứa trong nó. Phối màu của chai thủy tinh không đều thì ngoại quan của chai sẽ không đẹp.

Lần đầu tiên sau những "dư chấn" của vụ ODA Nhật, một đoàn doanh nghiệp đông đảo vùng Kansai, Nhật Bản đang có mặt tại VN tìm hiểu môi trường kinh doanh. Tham dự Diễn đàn kinh tế Nhật - Việt sáng 3/3 có đại diện của 350 doanh nghiệp hai nước.

Đã từng có làn sóng đầu tư của Nhật đổ vào VN, nhiều dự án đầu tư lớn do Nhật bỏ vốn đang được triển khai nhưng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn kêu gọi VN tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Thật đáng tiếc, ở VN chưa có nhà sản xuất thủy tinh nào có thể sản xuất và cung ứng sản phẩm chai rượu có thể đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu của phía nhà sản xuất rượu".

Thâm nhập thực tế, ông Đại sứ khẳng định, ngay cả những phụ tùng linh kiện mua trong nước có nguyên vật liệu và phụ tùng nhỏ phải nhập khẩu, nên về thực chất tỉ lệ "nội địa hóa" còn thấp hơn thế.

"Chưa đủ tin cậy"

Cho rằng ngành công nghiệp phụ trợ của VN chưa đủ tin cậy, Đại sứ Nhật Bản khuyến cáo với các bộ, ngành VN có liên quan rằng vận mệnh của công nghiệp VN sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, vấn đề này không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến quan hệ đầu tư thương mại và chính sách ODA trong tương lai giữa Nhật Bản và VN, mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của VN ở Đông Nam Á.

 

  "Có vẻ quý vị đều cho rằng "thật là phóng đại", nhưng tôi nghĩ vấn đề này có tầm quan trọng như vậy đấy", Đại sứ Sakaba phát biểu tại Diễn đàn.

 Đại sứ Nhật cũng cho biết, khoảng tháng 6 năm ngoái, một lãnh đạo của Chính phủ VN từng nói với ông: "Chính phủ VN đã có quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ".

Sau đó, Đại sứ đã nhanh chóng tìm hiểu thì đúng là vào tháng 7/2007 đã có văn bản tổng hợp mà Bộ Công thương là cơ quan chủ trì. Theo nhận định của ông, đó là một quy hoạch có nhiều điều hay, thể hiện những phương hướng, chủ trương đúng đắn. Nhưng đến giờ vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể nói rõ khi nào, ai, làm cái gì và như thế nào.

"Chính vì thế mà quy hoạch tổng thể của rất nhiều nỗ lực cũng không được vận dụng đầy đủ và chưa thực sự được triển khai. Tôi có ấn tượng về tổng thể nhưng về chi tiết thì chưa có".

Lợi thế lao động rẻ sẽ giảm

Cho đến nay, chi phí lao động giá rẻ vẫn là điểm hấp dẫn lớn của việc đầu tư vào VN. Tuy nhiên, Đại sứ Nhật Bản nhận định năng lực cạnh tranh quốc tế nhờ vào giá rẻ sẽ giảm dần đi. Con đường tiếp cận của doanh nghiệp quốc tế vào thị trường VN đang dần dần trở nên dễ dàng hơn do VN đã gia nhập WTO và các hiệp định FTA/EPA đã có hiệu lực.

"Nếu không sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, rẻ, phù hợp nhu cầu, thì không thể tránh được việc bị loại bỏ khỏi thương trường".

Ông Đại sứ nêu giả thiết nếu doanh nghiệp đa quốc gia có nhiều cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á và phát triển chiến lược kinh doanh mang tính toàn cầu thì có thể từ bỏ sản xuất ở VN và chuyển sang hướng nhập sản phẩm đã sản xuất ở các nước lân cận. Tuy nhiên, nền công nghiệp nội địa của VN sẽ không đơn giản như vậy. Quá trình tự do hóa dựa vào FTA trong khu vực ASEAN và FTA giữa Trung Quốc và ASEAN đã bắt đầu.

"Thời gian không còn nhiều để chúng ta tranh đấu nỗ lực vì sinh mệnh của nền công nghiệp VN".