Đảm bảo tăng trưởng với chất lượng cao nhất
Trả lời báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Quý I/2009 xuất khẩu giảm, công nghiệp tăng trưởng chậm, cùng với đó là vấn đề nhập siêu... Chính phủ đã lấy đó làm căn cứ để dự báo mức tăng trưởng GDP cho năm 2009.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết về những căn cứ phân tích khi Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5% ?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Khi đưa ra dự báo 5%, chúng tôi đã tính toán khá kỹ, trên cơ sở dự báo của các cơ quan nghiên cứu của chúng tôi. Tất cả các nguồn dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đưa ra dự báo mức tăng trưởng từ 4,5-5,6%, một số dự báo còn đưa ra mức tăng trưởng từ 4,69-5,67%. Vì thế chúng tôi mới trình ra Quốc hội con số khoảng 5%, nghĩa là có thể dưới hoặc có thể trên 5%.
Căn cứ để đưa ra dự báo này là tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp và khu vực dịch vụ. Nông nghiệp tăng khoảng 3%; công nghiệp mặc dù quý I giảm nhưng đang có xu hướng tăng, tháng 4 đã tăng 5,4%. Với khả năng của thị trường và phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi dự báo công nghiệp năm 2009 tăng trên 5%. Và dịch vụ cũng vậy.
PV: Trong các phiên thảo luận, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại việc đưa ra các gói kích cầu nếu không thực hện tốt sẽ làm tăng nguy cơ tái lạm phát. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Chính vì thế nên chúng tôi đưa ra chỉ tiêu cần phải giám sát là chỉ số giá tiêu dùng. Nếu theo Nghị quyết của Quốc hội CPI sẽ là dưới 15%, nhưng để phòng ngừa khả năng tái lạm phát, đảm bảo khả năng thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ chặt chẽ hơn, chúng tôi đã đưa ra con số đề nghị Quốc hội điều chỉnh lại là dưới 10%, tức là lạm phát chỉ 1 con số.
Cùng với đó Chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để con số đó càng thấp càng tốt. Đó là tăng thu, giảm tỉ lệ bội chi không quá 8%, chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt hơn nữa. Đặc biệt, việc quản lý đầu tư cần phải hiệu quả hơn, chi thường xuyên tiết kiệm hơn, đảm bảo cân đối ngân sách.
Các chính sách của chúng ta buộc phải giảm thu nhiều, nhưng giảm thu ở mức tối đa để bội chi không quá 8%, vì không thể cắt chi đi được.
PV: Nếu Quốc hội không đồng ý với mức bội chi năm 2009 là 8% mà chỉ 7% thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Chính phủ đang tính các kịch bản khác nhau để xem xét khả năng bội chi. Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, bàn bạc với Chính phủ để tìm ra phương án hợp lý.
PV: Nhiều đại biểu cũng lo ngại về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tôi cho rằng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang tốt, thể hiện ở chỗ sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi.
PV: Hệ số ICOR của Việt Nam đang rất cao. Điều này có đáng lo ngại hay không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Hệ số ICOR phải tính trong một quá trình, chứ không thể nói 1 năm được. Khi đang khủng hoảng kinh tế thì không thể lấy chỉ số ICOR ngắn hạn để so sánh. Ví dụ chỉ số ICOR lấy tổng đầu tư toàn xã hội chia cho tốc độ tăng trưởng hàng năm, nếu có nước tăng trưởng âm, hoặc bằng 0 (không) thì ICOR là vô cùng. Vì thế, tính ICOR phải trong một thời kỳ, mà chính xác nhất là 5 năm.
Đúng là 5 năm gần đây ICOR của chúng ta cao hơn 5 năm trước. Nhưng cần lưu ý là ở những nước đang phát triển, đầu tư nhiều vào xã hội thì ICOR đều cao cả, bởi khi đầu tư vào xã hội thì không thể đem lại tăng trưởng cao mà chỉ để đảm bảo an sinh là chính.
PV: Có ý kiến cho rằng chi tiêu công hiện không hiệu quả?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Chúng ta chi tiêu công đang đảm bảo tốt, đang tập trung vào các chính sách xã hội, vào giao thông, thuỷ lợi. Giao thông chủ yếu là đường liên xã, liên huyện; thủy lợi miền núi, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, chính sách giáo dục, y tế... Trái phiếu Chính phủ cũng tập trung vào 4 lĩnh vực đó mà thực chất là đầu tư cho nông thôn. Nhiều đại biểu đã không tính những đầu tư đó vào khu vực nông thôn là chưa đủ. Hiện nay Chính phủ rất quyết tâm đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
PV: Sau đợt suy giảm kinh tế lần này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần trình phương án tái cấu trúc kinh tế. Theo Bộ trưởng điều này có cần thiết?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Đúng vậy. Hiện nay chúng ta phải nghĩ đến phương án đối phó hậu khủng hoảng. Đó không phải là một vài biện pháp cụ thể mà phải là một đề án. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án này để trình Chính phủ thông qua vào cuối năm nay.
Đề án này đang trong quá trình xây dựng, nhưng mục tiêu chính là đảm bảo tăng trưởng với chất lượng cao nhất. Hai vấn đề cốt lõi cần điều chỉnh là nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó có thể thẳng thắn thừa nhận nguồn nhân lực đang là khâu yếu kém nhất của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.