Đạm Ninh Bình ra “tối hậu thư”, nhà thầu Trung Quốc không hồi âm

Ban quản lý Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem, vừa có báo cáo gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về những tồn tại của hợp đồng EPC với nhà thầu HQC.
 
Theo Ban quản lý, hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu (HQC, Trung Quốc) có hiệu lực từ 30/4/2008. Sau khi hoàn thành xây dựng, lắp đặt, chạy thử từng hạng mục trong nhà máy, kết quả chưa hoàn toàn đạt yêu cầu về thông số trên hợp đồng EPC song đến ngày 24/9/2012, HQC đã bàn giao quyền điều hành cho chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (thuộc Vinachem). 
 
Tháng 11/2013, khi công suất từng công đoạn lên 90% thiết kế và vận hành chạy máy dài ngày, nhà thầu HQC đã đề nghị chủ đầu tư cho phép được khảo nghiệm lần hai, kết quả là 5/46 thông số chưa đạt giá trị bảo đảm theo hợp đồng EPC.  
 
Dù còn hàng loạt vấn đề không thống nhất tại công trình này, song tính đến 20/12/2016, chủ đầu tư Đạm Ninh Bình là Vinachem đã thanh toán cho HQC 463 triệu USD, số tiền còn lại là 48,8 triệu USD. 
 
Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư 667 triệu USD, công suất 560.000 tấn Ure. Vốn chủ sở hữu của Vinachem khi đó là 100 triệu USD và được phía Eximbank Trung Quốc đề nghị cho vay 250 triệu USD với lãi suất 4% một năm, với điều kiện ký kết hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.
 
Trải qua gần một thập kỷ xây dựng và vận hành giữa Đạm Ninh Bình và nhà thầu HQC vẫn chưa thể quyết toán, báo cáo cho biết.
 
Ra “tối hậu thư”, HQC vẫn không hồi âm
 
“Từ đầu năm 2013 đến nay, Vinachem đã tiến hành họp đàm phán chính thức với HQC 16 cuộc trong đó có 5 cuộc do Tổng giám đốc hai bên chủ trì để giải quyết những tồn tại của hợp đồng”, báo cáo nêu. 
 
Đoàn đàm phán cấp cao cuối cùng họp từ ngày 22/10-24/10/2016, kết quả cho thấy có nhiều thông số không đạt. Qua nhiều cuộc đàm phán song chủ đầu tư Đạm Ninh Bình và phía nhà thầu HQC vẫn không thể đi đến thống nhất một số vấn đề. 
 
Lượng tiêu thụ than tiêu hao cho quá trình chạy máy đã được hai bên thống nhất là 371.469 tấn cao hơn so với hợp đồng là 251.469 tấn. Chi phí mua than và vận chuyển, bốc xếp là 515 tỷ đồng chưa tính lãi vay. Phần chi phí chạy thử lần 2 hơn 20 tỷ đồng. Phía Đạm Ninh Bình yêu cầu HQC phải chịu toàn bộ chi phí này tuy nhiên nhà thầu này không chấp nhận. 
 
Thậm chí, Đạm Ninh Bình đề xuất mỗi bên 50% tổng chi phí than vượt song phía HQC cũng khước từ với lý do nhà máy đã chạy thương mại.
 
“Phiên đàm phán 15 và 16, nhà thầu đề xuất chấp thuận khoảng 190 tỷ đồng tiền than vượt và không yêu cầu chủ đầu thanh toán cho hạng mục 14 tuyến đường nội bộ không được nghiệm thu”, báo cáo cho hay.
 
Về tiến độ thực hiện, theo Đạm Ninh Bình, từ ngày 30/4/2008, tới ngày bàn giao quyền vận hành là ngày 24/9/2012, chậm 60 tuần so với tiến độ hợp đồng. HQC cho rằng tiến độ chậm là do ảnh hưởng của thời tiết, do mất điện, than ẩm, rơi container xuống biển khiến phải đặt hàng lại…
 
Trong quá trình thực hiện dự án, Vinachem có chậm thanh toán cho HQC bởi khó khăn vốn và chấp nhận chịu phạt.
 
“HQC đề nghị chủ đầu tư của Đạm Ninh Bình phải thanh toán song Đạm Ninh Bình yêu cầu nhà thầu phải xử lý tồn tại mới thanh toán. Việc thay đổi thiết kế xây dựng, HQC bị đề nghị phải cung cấp hồ sơ tài liệu song nhà thầu nói đã gửi hồ sơ cho Vinachem từ cách đây nửa năm và không có trả lời như vậy được coi như đã chấp thuận”, báo cáo nêu. 
 
Đặc biệt, tổng giá trị hàng hoá, vật tư, máy móc được HQC kê khai và làm thủ tục hải quan là 326 triệu USD nhưng thực tế đến công trường lên tới 375,6 triệu USD. Như vậy, còn một bộ phận hàng hoá chưa được kê khai hải quan có giá trị 49,2 triệu USD...
 
Xin cơ chế
 
Báo cáo nêu, HQC phải bồi thường thiệt hại do chạy thử cho 5 chỉ tiêu không đạt là chất lượng nước thải xưởng tổng hợp Ure, tiêu hao khí cho sản xuất NH3, tiêu hao than cho các lò hơi, công suất nhiệt điện không đạt 100%... với tổng giá trị bồi thường là 1,621 triệu USD. 
 
41 hạng mục xây lắp như nền kho hoá chất, đầu nối hai nhà máy, cửa đi D1, chống thấm, khắc phục thiệt hại cơn bão…với tổng chi phí là 21,5 tỷ đồng sẽ được chủ đầu tư Đạm Ninh Bình tự khắc phục.
 
Ngoài ra, còn một loạt tồn tại về cơ khí, thiết bị, điện đo lường…với chi phí xử lý lên tới vài trăm tỷ đồng.
 
Để quyết toán hợp đồng EPC, Vinachem yêu cầu HQC phải cử cán bộ có liên quan sang Việt Nam để làm việc cùng với chủ đầu tư về vấn đề quyết toán AB và HQC phải gửi báo cáo cuối cùng của dự án giữa tháng 11/2016. 
 
Đến tháng 16/12, Vinachem đã đề nghị nhà thầu thông báo ý kiến đề xuất cuối cùng về các tồn tại của hợp đồng EPC để xem xét, báo cáo các cấp thẩm quyền, kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, tới thời điểm báo cáo, vẫn chưa nhận được hồi âm của HQC. 
 
Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp và kiến nghị cho phép được thực hiện quyết toán dự án trong trường hợp HQC chậm hoặc không bàn giao hồ sơ hoàn công và báo cáo quyết toán trong quý 1/2017.
 
Đồng thời, cho phép Đạm Ninh Bình tiếp tục được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng trong nước để trả hết giá trị còn phải thanh toán cho HQC và giải quyết các tồn tại nêu trên.
 
Trước đó, Đạm Ninh Bình cũng có báo việc thua lỗ 1.078 tỷ đồng trong năm 2016, nâng tổng lỗ luỹ kế vượt 3.300 tỷ đồng kể từ khi đi vào vận hành từ năm 2012. Năm 2017, nếu dừng hoạt động nhà máy sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, còn nếu sản xuất số lỗ giảm xuống còn 250 tỷ đồng.