"Đánh thức" thị trường nội địa

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của VN đang bị thu hẹp, đồng thời vai trò của thị trường nội địa ngày càng trở nên quan trọng, nhiều DN VN đã nỗ lực tìm giải pháp thâm nhập thị trường nội địa.

Bài toán chất lượng cao - giá rẻ

Tại hội thảo “DN xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng trên thị trường nội địa – đâu là giải pháp” - tổ chức tại TPHCM, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, “quay về sân nhà bằng chiến lược giá rẻ là bước đi đúng đắn của các DN xuất khẩu”.

Thực tế gần đây cho thấy, nhiều DN trong nước đã bước đầu để lại dấu ấn trên thị trường nội địa bằng chính sách này. Tại các siêu thị ở TPHCM, trong những tháng gần đây, nhiều NTD không khỏi ngạc nhiên khi thấy sản phẩm gốm sứ Minh Long được bày bán nhiều hơn trước và đặc biệt là giá sản phẩm cũng vừa túi tiền NTD hơn.

Ông Lý Ngọc Minh - TGĐ Cty Minh Long 1 - cho rằng, đây là một trong những tiêu chí để DN tiếp cận với NTD trong nước nhiều hơn. Để thực hiện kế hoạch doanh thu nội địa đạt 60%, Minh Long 1 sẽ tung ra thị trường nhiều bộ chén đĩa có mức giá từ 350.000 – 700.000 đồng/bộ, thay vì trước đây giá bình quân cũng những bộ sản phẩm dạng này phải từ 1-3 triệu đồng.

Để tung ra thị trường sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng sứ cao cấp theo tiêu chuẩn nhưng giá bán rẻ hơn, phù hợp với đông đảo NTD trong nước hơn, Minh Long chọn phát triển nhóm sản phẩm không quá cầu kỳ về kiểu dáng và đẩy mạnh phân phối qua hệ thống siêu thị, đại lý, các hội chợ. Hiện cơ cấu tiêu thụ sản phẩm trong nước chiếm 60% sản lượng của Minh Long, trong khi năm 1996, cơ cấu xuất khẩu chiếm đến 98% sản lượng.

Tương tự, tuy ở một lĩnh vực khác nhưng Cty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Trường Thành cũng quyết định chinh phục thị trường nội địa bằng chiến dịch “bán hàng với giá sỉ” để dễ dàng tiếp cận sản phẩm với NTD trong nước hơn.

Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT Cty - cho biết: “Từ kết quả thăm dò mỗi người VN chỉ chi khoảng 10USD để mua sắm sản phẩm nội thất, trong khi ở Châu Âu con số này là 250USD/người, Cty đã quyết định xâm nhập thị trường nội địa bằng việc cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nông thôn hơn như sản phẩm tràng kỷ, phản bằng gỗ chất lượng cao có giá rẻ, bên cạnh các sản phẩm nhắm đến đối tượng khách hàng nữ và chủ động giới thiệu sản phẩm cho các dự án căn hộ chung cư, khách sạn...”.

Bắt đầu từ cải tiến sản phẩm

Bên cạnh đó, không ít DN chọn giải pháp chinh phục thị trường nội địa bằng cách nắm bắt nhu cầu của NTD trong nước và cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ. Để khắc phục điểm yếu của các sản phẩm nhựa VN so với hàng ngoại nhập, Cty nhựa Đại Đồng Tiến đã ứng dụng công nghệ nano – silver vào các sản phẩm nhựa dòng Sina, để sản phẩm có thêm tính năng bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn, không bị thay đổi chất và đặc biệt là diệt khuẩn, khử mùi...

Trong khi đó, ở nhóm hàng dệt - may, giày dép, không ít nhà sản xuất trong nước đang cố gắng thực hiện các yêu cầu vốn được xem là điểm yếu của hàng VN: Sản phẩm đẹp, mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hệ thống phân phối rộng. Bà Lai Kim - TGĐ Cty may Nhật Tân - cho rằng, Cty đã ý thức được những tiêu chí cần phải đạt được trên và đang cố gắng thực hiện nhằm để đến năm 2010, DN có thể trở thành một thế giới thời trang cho trẻ em.

Để thực hiện được các tiêu chí trên, thời gian qua không ít DN đã phải đầu tư hàng tỉ đồng với quyết tâm giành lại thị trường. Chẳng hạn như thời gian qua, Cty Việt Tiến đã phải đầu tư khoảng 5 tỉ đồng để phát triển nhãn hàng TT-up, còn Cty dệt - may Thái Tuấn cũng đã tự đa dạng hóa bằng cách sản xuất thêm nhiều sản phẩm thời trang với nhãn hiệu Rosshi và đầu tư hàng tỉ đồng cho hệ thống trung tâm thời trang của mình.

Đặc biệt là ở nhóm ngành hàng thực phẩm, thời gian qua các DN sản xuất trong nước đã nỗ lực vực dậy bằng cách đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối. Từ đầu năm 2009, Cty thực phẩm Cholimex đã chuyển đổi mô hình từ 200 đại lý lớn - nhỏ thành 60 nhà phân phối để đưa sản phẩm đến 63 tỉnh, thành.

Khác với đại lý, nhà phân phối lúc này là một phần trong mắt xích phân phối của Cholimex. Không chỉ giúp sản phẩm đến tay NTD nhanh (chỉ khoảng 1-2 ngày), nhà phân phối còn bán hàng theo chính sách giá thống nhất, cũng như sẵn sàng hỗ trợ Cty trong đầu tư, nhân lực quản lý phân phối các cấp bán hàng thấp hơn, xử lý kịp thời khiếu nại từ khách hàng.

Ông Văn Đức Mười - Phó TGĐ Cty Vissan - cho biết: “Từ đầu năm 2009 đến nay, Vissan liên tục đảm bảo bình ổn giá các mặt hàng thịt tươi sống và thực phẩm đông lạnh, chế biến dù giá thị trường có lúc biến động. Không những vậy, Vissan còn thường xuyên mở các đợt khuyến mãi giảm giá dù giá thị trường đang biến động tăng, bên cạnh việc đa dạng hóa thêm sản phẩm mới. Những điều này khiến Cty phải khó khăn hơn về doanh thu, nhưng bù lại sản phẩm đến với NTD nhiều hơn và về lâu về dài phát triển được thị trường, thực hiện được nhiệm vụ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu”.

Trong công cuộc “đánh thức” thị trường nội địa, thời gian qua không chỉ có sự nỗ lực của các nhà sản xuất mà phải kể đến sự đóng góp không nhỏ từ các nhà phân phối. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - GĐ đối ngoại hệ thống siêu thị Big C - cho biết: “Siêu thị đã có mục tiêu, chính sách ủng hộ hàng Việt có chất lượng tốt, với giá bán rẻ, mang lại lợi ích cho NTD lẫn nhà sản xuất trong nước. Do vậy, khoảng 95% sản phẩm bày bán tại siêu thị là hàng sản xuất trong nước. Các chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm mới cũng luôn ủng hộ hàng Việt”.

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi ủng hộ hàng Việt như chương trình hàng VN chất lượng cao, giá ưu đãi cho các ngành hàng nông sản – thực phẩm để kích cầu và tiếp cận sản phẩm Việt đến NTD.