Đào tạo nghề sau thu hồi đất

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có gần 320 ha diện tích đất bị thu hồi, tập trung tại 48 xã, 8 huyện và chiếm đến 93% diện tích đất sản xuất của 4.312 hộ. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai đào tạo nghề cho người dân nhằm tạo điều kiện để họ sớm có việc làm, xây dựng cuộc sống. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là chăn nuôi thú y, cơ khí, điện tử, may công nghiệp, dịch vụ thương mại và các ngành nghề truyền thống. Các địa phương cũng rất linh hoạt trong việc đào tạo nghề như đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề hay tổ chức lưu động tại các xã, phường nhằm giúp lao động nông thôn có cơ hội tiếp cận và tham gia học nghề dễ dàng.

Nghệ An cũng dành 1 tỷ đồng vốn vay giải quyết việc làm cho 360 hộ gia đình mất việc, thiếu việc làm do thu hồi đất có nhu cầu vay vốn chuyển đổi ngành nghề, đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tự tạo việc làm mới vay với lãi suất ưu đãi. Đối với những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh miễn phí học giáo dục định hướng và ngoại ngữ, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và các ngân hàng thương mại khác tạo điều kiện cho vay vốn xuất khẩu lao động. Sau 3 năm kể từ khi Nghệ An thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho nông thôn, hơn 500 lao động sau khi học nghề đã tự tạo được việc làm, lập cơ sở sản xuất, mở trang trại góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng qua triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, đó là: do quy định về điều kiện được hỗ trợ tại Nghị quyết số 172/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh là đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi từ 30% trở lên mới thuộc diện được hưởng chính sách. Trên thực tế hiện nay, có nhiều hộ gia đình số diện tích đất thu hồi chưa đến 30% nhưng vẫn bị thất nghiệp, thiếu việc làm lại không được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Một số lao động có nhu cầu học những nghề mà tại cơ sở dạy nghề của địa phương không đáp ứng được hoặc có nghề chỉ có một đến hai lao động đăng ký nên rất khó trong việc tổ chức lớp học. Phí học nghề quá thấp nên các cơ sở dạy nghề không “mặn mà”, bên cạnh đó lại thiếu những trang thiết bị cần thiết nên chất lượng dạy nghề còn thấp… Đó chính là nguyên nhân khiến tình trạng lao động sau khi tốt nghiệp khóa học nhưng trình độ tay nghề không đáp ứng được yêu cầu hoặc có việc làm nhưng không phù hợp với nghề được đào tạo, thu nhập thấp.

Ngoài ra, việc kêu gọi các doanh nghiệp được giao đất sản xuất kinh doanh quan tâm đến việc tham gia giải quyết việc làm cho số lao động mất việc làm và thiếu việc làm do bị thu hồi đất sản xuất vẫn chưa đem lại hiệu quả. Các lao động sau khi được đào tạo đang phải tự tìm kiếm việc làm, hoặc phải đi làm ăn xa...

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất được coi là giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, đóng góp tích cực vào việc ổn định kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, theo ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động-Tiền lương-Tiền công (Sở Lao động Thương binh và Xã hội), các xã, phường, thị trấn có đất bị thu hồi cần rà soát lại, gắn quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp với phát triển ngành nghề, đặc biệt quan tâm đến khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo quỹ đất tái định cư, quy hoạch đất dịch vụ và đất liền kề các khu công nghiệp; các cơ sở dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất cần mở rộng số lượng nghề đào tạo cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, với tập quán và thực tiễn sản xuất cũng như yêu cầu của doanh nghiệp; liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để vừa đào tạo, vừa giải quyết việc làm cho người lao động. Về phía Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu trình UBND tỉnh và các ngành liên quan bổ sung sửa đổi cơ chế chính sách hỗ trợ cho người lao động bị thu hồi đất về đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.