Đầu tư 10.000 tỷ đồng vào miền Tây
Đêm 30/4, Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức bên bờ sông Hậu ở TP Cần Thơ đã bế mạc. Tại đây các tỉnh thành đã cấp phép đầu tư cho 21 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng trong số 178 dự án được giới thiệu.
Theo ban tổ chức, do chiếc cầu dài nhất Đông Nam Á đã nối liền sông Hậu nên trong 4 ngày diễn ra hội chợ đã thu hút gần nửa triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến Cần Thơ tham quan. Qua đó, có 27.900 hợp đồng được giao dịch với giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
Nhiều buổi hội thảo diễn ra tại hội chợ cũng góp phần đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, các bộ ngành, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản gây ảnh hưởng đến sự phát triển ở miền Tây.
Trong đó có hội thảo "Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu" được tổ chức vào chiều 30/4. Nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới miền Tây cần có một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết đồng bộ các vấn đề như đối phó với nước biển dâng, tình trạng mặn hóa đất đai và hạn hán bất thường, bởi nơi đây là vựa lúa cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia. Miền Tây cũng là nơi cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và hơn 74% lượng thuỷ sản nuôi của cả nước.
Từ những con số trên cho thấy miền Tây cần phải có quy hoạch vùng gắn với phát triển công nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, sản lượng để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng nhưng không làm tăng nguy cơ biến đổi khí hậu.
Tại lễ bế mạc hội chợ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ) cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trao trên 563 tỷ đồng cho quỹ an sinh xã hội các tỉnh thành miền Tây và tặng nhà tình thương cho 80 hộ nghèo trong vùng.