Đề xuất huy động hơn 91.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL
Trong đó, giao thông đường bộ cần đầu tư 39 dự án với khoảng 73.000 tỷ đồng; đường biển 23 dự án với số vốn 18.000 tỷ đồng; đường thủy nội địa 12 dự án với kinh phí 11.000 tỷ đồng; đường hàng không đầu tư 3 dự án: thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau, nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc với số vố 1.700 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn có khoảng 31% vốn ngân sách đầu tư, phần còn lại vận động xã hội hóa và vốn ODA.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng (nguyên thứ trưởng Bộ GTVT) cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên vốn để nâng cấp mở rộng 3 trục đường quan trọng là Quốc lộ 60, Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp; đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phát triển cảng nước sâu tại huyện Trần Đề của địa phương và cảng trung chuyển quy mô quốc tế tại Côn Đảo để phục vụ xuất khẩu hàng hóa cho cả vùng. Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ GTVT đưa dự án cảng nước sâu Hòn Khoai vào danh mục mời gọi đầu tư trong giai đoạn 2018-2020 vì dự án này có vị trí chiến lược và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ GTVT, mạng lưới đường bộ đã cơ bản hình thành các trục dọc, trục ngang phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng. Cả vùng hiện có hơn 2.000km quốc lộ, tuy nhiên, trên một số tuyến quốc lộ kết nối như: QL60, QL53, QL54, QL91, QL63, tuyến N1, N2... chất lượng đường còn thấp.
Vùng Tây Nam Bộ có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch phân bố dày đặc liên kết với nhau tạo thành hệ thống giao thông đường thủy hết sức thuận tiện cho phép phương tiện thủy trọng tải lớn có thể đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, do thời gian qua suất đầu tư cho đường thủy nội địa chiếm khá thấp chỉ khoảng 1,7% trong cơ cấu nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông nên chưa phát huy được lợi thế vận tải đường thủy.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: để vực dậy tiềm năng phát triển của cả vùng thì việc phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Thời gian qua, Bộ chính trị, Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho cả vùng, nhiều công trình lớn đã hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế-văn hóa-xã hội của vùng.
Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư có hạn, với đặc thù là vùng đất yếu, nên mặc dù suất đầu tư cho vùng ĐBSCL tương đương các vùng khác nhưng số lượng công trình, phần việc làm được ít hơn. Là vùng kinh tế nông nghiệp xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước nhưng có đến 80% hàng hóa phải vận chuyển lên các cảng TP.Hồ Chí Minh để xuất khẩu, trong đó chủ yếu là vận tải bằng đường bộ nên chi phí rất cao làm giảm hiệu quả xuất khẩu, giảm lợi nhuận cho người sản xuất.
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này các bộ ngành, địa phương phải lập báo cáo nghiên cứu đề xuất Chính phủ về cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư, trên cơ sở đó lập danh mục dự án ưu tiên, phân kỳ đầu tư với cơ cấu nguồn vốn phải rõ ràng cụ thể để Chính phủ tổng hợp trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.