Điểm mặt nạn nhân lớn nhất của các cuộc khủng hoảng

Năm nay, khoảng 3,1 tỷ người trên thế giới đang được làm việc. Con số này cao hơn bao giờ hết, tuy nhiên cảm giác về khủng hoảng việc làm vẫn đang tồn tại.

Cảm giác đó không phải bởi trên toàn cầu, khoảng 205 triệu người đang chính thức thất nghiệp mà bởi người trẻ chịu tác động quá nặng nề từ việc này. Hơn nữa, chất lượng của những công việc mà họ đang làm cũng giảm sút, đặc biệt với việc của giới văn phòng tại các nước giàu.

Chỉ số thất nghiệp Gallup hiện ở mức khoảng 19% tổng lực lượng việc làm. Nó bao gồm số người thất nghiệp (khoảng 7%) và những người có việc làm bán thời gian nhưng muốn làm việc nhiều hơn (12%).

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), vào năm 2009, khoảng 1,52 tỷ người, tương đương gần nửa lực lượng lao động, thuộc diện dễ chịu tổn thương, dù họ tự làm việc cho mình hay tại các gia đình bị trả lương thấp tồi tệ.

Cho tới thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, người ta đã tin rằng thế giới trải qua thời kỳ “Đại Điều chỉnh”. Những Ngân hàng Trung ương độc lập, chính phủ nước giàu thận trọng về tài khóa và thị trường lao động ngày một linh hoạt hơn dường như đã bỏ đi quy trình kinh doanh cũ.

Chính phủ các nước G20 phải đưa ra hàng loạt chính sách tài khóa và tiền tệ để ngăn “Đại Điều chỉnh” biến thành “Đại Khủng hoảng”. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp chưa trở lại mức trước khủng hoảng và rất ít chính phủ còn khả năng đưa ra gói kích thích thêm được nữa.

Tại nhiều nước, tỷ lệ thất nghiệp dài hạn tăng xét theo cả nghĩa tuyệt đối và tính trong tương quan với tổng số người thất nghiệp. Tại Mỹ, khoảng 30% người thất nghiệp đã thuộc diện dài hạn, cao hơn so với con số 10% vào năm 2007. Nhóm chuyên gia tin rằng thị trường lao động Mỹ vốn nổi tiếng linh hoạt sẽ tránh được tình trạng thất nghiệp dài hạn kiểu châu Âu.

Người trẻ tuổi luôn là nạn nhân lớn nhất của các cuộc khủng hoảng. Năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tại nước thuộc OECD là 14,2% trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động già là 4,9%.

Quý 1/2011, tỷ lệ này lần lượt ở mức 19,7% và 7,3%. Tại một số nước phát triển, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tuổi tăng từ mức 17,6% lên mức choáng váng 44% trong cùng thời kỳ.

Các hợp đồng lao động linh hoạt giúp các ông chủ dễ dàng sa thải người mới gia nhập thị trường lao động hơn so với người làm việc lâu. Vì thế khi các công ty cần phải giảm bớt chi phí, họ sẽ lập tức sa thải lao động trẻ.

Người trẻ chịu thiệt bởi người lao động lâu năm thường ngại ngần rời lực lượng lao động hơn so với những lần kinh tế đi xuống trước đây, khi đó các gói hỗ trợ khi nghỉ hưu sớm hết sức hào phóng. Gói hỗ trợ như vậy đã trở nên hiêm hoi và luật cấm phân biệt tuổi tác đang ngày một phổ biến hơn, vì vậy người ta làm việc cũng lâu hơn.

Tại một số nước, chính sách của chính phủ đã tạo ra nhiều sự khác biệt. Tại Đức, chính phủ đã giải quyết được tình trạng thất nghiệp và giúp người trẻ có việc làm nhờ vào các biện pháp trong đó bao gồm hỗ trợ cho người có việc làm trong ngắn hạn.

Tại Mỹ, quyết định kéo dài thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp từ 26 lên 99 tuần của Tổng thống Obama có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp dài hạn tăng lên một chút, tuy nhiên làm chậm mức tăng của đói nghèo.

Chuyên gia James Manyika thuộc viện nghiên cứu McKinsey chỉ ra xu thế xã hội dài hạn cũng gây ra tình trạng thất nghiệp cao hơn. Ông nói đến việc người Mỹ ngại chuyển nhà để kiếm việc, ngoài ra nhiều người gặp khó khi đã trót vay tiền mua nhà.

Những người trẻ tuổi mất việc càng lâu sẽ trở nên sợ hãi và sau đó có thể không bao giờ xin được việc làm trở lại.