"Đình công ở công ty Katolec Việt Nam": Bắt tay "dằn mặt" công nhân?!

Người đình công bị đuổi việc không lý do, bị từ chối khi đi xin việc ở công ty khác... Đó là những thông tin được các công nhân tố cáo tới Báo GĐ&XH sau cuộc đình tại công ty Katolec Việt Nam.
 
Tai nạn, chẳng có ai để kêu!
 
Mấy ngày gần đây, Báo GĐ&XH tiếp tục nhận nhiều thông tin từ phía công nhân Công ty Katolec Việt Nam “tố” về những chuyện đáng buồn khác diễn ra ở đây. Công nhân tên L (xin giấu tên) cho biết, cách đây không lâu, trong ca làm đêm, vào lúc 4h30 sáng, cô bị tai nạn. Vết thương khá sâu và dài ở cổ tay khiến L choáng váng, máu chảy không dứt. Bình thường, khi công nhân gặp sự cố do tai nạn lao động phải được các nhân viên y tế công ty sơ cứu nhưng vào đêm hôm đó công nhân L không hề nhận được sự hỗ trợ nào. Không nhân viên y tế, không dụng cụ băng bó, máu từ tay công nhân L chảy ròng ròng nên các công nhân có mặt phải tự mình chạy đi tìm các vật dụng có thể cầm máu cho bạn. Trời đang tối, không được ra ngoài nên họ đành dùng giẻ lau máy bẩn có ở trong xưởng để băng bó vết thương cho L. Sau đó, L được đưa ra trạm y tế địa phương sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa Phúc Yên để khâu vết thương, điều trị.

Chìa tay cho PV xem, L cho biết đến nay vết khâu 4 mũi vẫn thường xuyên hành hạ cô mỗi khi trái gió, trở trời. Một nhân chứng có mặt khi xảy ra vụ tai nạn với L, bức xúc: “Hầu như ca đêm không có nhân viên y tế túc trực cho nên khi xảy ra tai nạn lao động công nhân không biết kêu ai. Trong vụ của công nhân L, dù vẫn biết cái giẻ lau máy kia rất bẩn nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác nên đành phải dùng nó để cấp cứu cho bạn. Máu từ vết thương trên tay bạn ấy chảy ròng, ai cũng khiếp sợ”. L cho biết, từ đó đến nay cô chưa nhận được bất kỳ chế độ nào từ phía công ty Katolec. “Công ty có hứa sẽ hỗ trợ vào tháng lương sau nhưng mãi em chẳng thấy đâu” – L cho biết.

Trúng gió, gọi   phụ huynh đến... cứu!

Các công nhân còn chưa hết hoảng sợ khi nói về chuyện mới đây, sự cố “trúng gió phải gọi bố lên đưa đi cấp cứu” của công nhân N.A xảy ra tại nhà máy này. Tìm gặp N.A, chúng tôi được biết, hôm đó cũng vào ca đêm, khi trên đường từ phân xưởng đến nhà ăn em cảm thấy bị choáng váng và kêu mệt. N.A đã không thể ăn uống gì được mà nằm gục trên bàn ăn. Khi các công nhân khác ăn xong bữa, lên phân xưởng tiếp tục làm việc thì N.A vẫn nằm không động đậy. Biết N.A mệt, một vài công nhân khác đã đi tìm nhân viên y tế để được giúp đỡ nhưng bặt vô âm tín. Lúc đó, nhiều công nhân đã lên tiếng để xin cho N.A về nhưng em vẫn không được cho về. Mãi đến gần sáng, khi N.A tím tái hết mặt mày, chân tay có dấu hiệu tê cứng không cử động được, quá quẫn bách, một công nhân đã phải gọi điện về nhà N.A để cầu cứu người thân.

Một công nhân chứng kiến sự việc cho biết: “Hôm đó chúng em cứ nghĩ bạn ấy không qua khỏi cơn nguy kịch. Nguyên do là N.A bị cảm gió, không được cấp cứu kịp thời nên mặt mày tím tái, chân tay cứng đờ. Khi bố N.A lên cũng không được vào mà phải đợi con gái ở ngoài cổng, chúng em phải bế bạn ấy ra thì mới được về”. Trao đổi với chúng tôi, bố của N.A vẫn chưa nguôi sự bức xúc: “Hôm đó đã gần sáng, nghe điện thoại kêu cứu của các cháu, cả nhà tôi hốt hoảng chạy lên công ty. May mà con tôi không sao nên chúng tôi bỏ qua việc đó. Thực sự, tôi chưa thấy ở đâu lại đối xử với công nhân theo cách như vậy!”.

Đình công   – tự “đóng cửa”(?)

Các công nhân phàn nàn với PV rằng, sau cuộc đình công, không ít người tham gia đã bị đuổi việc hoặc thuyên chuyển công việc không lý do. Công nhân tên Quang cho biết, sau cuộc đình công em đã trở lại để làm việc theo lời kêu gọi từ phía công ty. Vậy nhưng, ngay buổi đầu tiên, Quang đã bị quản lý người Nhật ra lệnh đuổi việc không lý do. Sau đó, Quang mới nghe rằng nguyên nhân bị đuổi xuất phát từ hành động “sôi nổi” của em trong cuộc đình công bị camera ghi lại.

Chưa dừng lại đó, Nguyễn Thị Mai - một trong 13 công nhân nằm trong diện đấu tranh “tiêu biểu” của công ty Katolec - khi đi xin việc ở công ty khác thì bị loại ngay từ vòng... nộp hồ sơ. Nhiều công nhân phản ánh, những dấu hiệu của việc công nhân đình công bị “tẩy chay” khi đi xin việc tại các công ty khác cũng đã được “cảnh báo” từ trước dù họ không thể tin sự thể lại tệ hại và “nhỏ nhen” đến như vậy! Công nhân Ngô Thị Hiến cho biết, khi chị đang hô hào công nhân đoàn kết thì nhận được cuộc điện thoại với nội dung “cảnh báo”: Nếu tiếp diễn các hành động tương tự thì sau này sẽ không đi xin việc được bất kỳ công ty nào của Nhật tại KCN Quang Minh cũng như các KCN khác(?!).

Sau thông tin công nhân đình công sẽ bị “phong toả mọi mặt”, không thể kiếm được việc ở KCN Quang Minh mà điển hình như trường hợp của công nhân Nguyễn Thị Mai nói trên, dư luận không khỏi nghi ngờ về việc có một sự “thỏa thuận ngầm” giữa các ông chủ nhằm “dằn mặt” các công nhân? Cơ quan chức năng cần xác minh vấn đề này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.