Đô la, vàng và giá lương thực
Kinh tế thế giới đang ở trong một giai đoạn khó đoán định, khi suy thoái chưa qua, các dấu hiệu phục hồi chưa rõ rệt và không đủ căn cứ để tiên liệu những xu hướng sắp tới. Nhưng lo ngại lớn nhất là việc các chính phủ đang dùng những khoản tiền lớn chưa từng có để kích thích phục hồi kinh tế có thể gây ra lạm phát ngay cả khi chưa có tăng trưởng.
Một quan điểm gây chú ý nhất mới đây thuộc về ông Jim Rogers, một trong những nhà đầu tư người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn. Ông Rogers nhận định rằng đồng đô la Mỹ đã tăng quá nhiều so với ngoại tệ khác, chủ yếu do nhu cầu đầu tư ngắn hạn của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ông cho rằng một cuộc khủng hoảng tiền tệ đi kèm với sự mất giá của đồng đô la Mỹ là khó tránh khỏi, và điều này có thể xảy ra trong mùa thu năm nay hoặc cuối năm 2010. Khi đó, giá hàng hoá, nhiên liệu thô, đặc biệt là giá lương thực, sẽ tăng vọt.
“Nông dân, những người khai thác khoáng sản… sẽ có rất nhiều tiền. Họ sẽ là những người lái xe Lamborgini, chứ không phải những nhà môi giới chứng khoán nữa!”, ông Rogers đã so sánh một cách hình tượng như thế trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg.
Ông Rogers hiện đang sống ở Singapore và đầu tư nhiều vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Ông đồng sáng lập quỹ Quantum Fund cùng với George Soros từ năm 1970.
Năm 2007, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones đang ở mức thịnh vượng 14.000 điểm, ông là người đã tiên đoán chính xác sự lao dốc của thị trường Mỹ và khuyên các nhà đầu tư nên thoát ra trước khi quá muộn. Sau khi những nhận định của ông Rogers trở thành hiện thực, quan điểm của ông lại càng được chú ý hơn. Trong khi đó, tuy thận trọng hơn khi tiên đoán về khả năng khủng hoảng tiền tệ, phần lớn giới quan sát kinh tế đều bồn chồn về những tác dụng phụ của việc các chính phủ bơm tiền kích thích kinh tế.
Một mặt, ai cũng biết đây là việc làm cần thiết để tháo gỡ bế tắc tín dụng và giúp phục hồi kinh tế. Mặt khác, những khoản tiền khổng lồ mà nước Mỹ đang in ra khiến cho mối lo về lạm phát ngày một lớn.
Lạm phát, như Việt Nam đã trải qua trong năm vừa rồi, chưa hẳn là biểu hiện của tăng trưởng kinh tế, mà có thể là tác động của việc đồng tiền mất giá ngay cả khi kinh tế không tăng trưởng.
Lạm phát, như Việt Nam đã trải qua trong năm vừa rồi, chưa hẳn là biểu hiện của tăng trưởng kinh tế, mà có thể là tác động của việc đồng tiền mất giá ngay cả khi kinh tế không tăng trưởng.
Hiệp hội Lạm phát quốc gia tại Mỹ đã cảnh báo đợt tăng giá 30% của thị trường chứng khoán Mỹ là tác động của lạm phát nhiều hơn là sự phục hồi của các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế. Theo tổ chức này, tổng số tiền dự tính cho gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ hiện nay lên tới 13,4 ngàn tỉ đô la Mỹ, trong đó gần ba ngàn tỉ đã được tiêu.
Việc một số lượng lớn đô la được tung vào thị trường sẽ dẫn tới việc đồng đô la mất giá. Và như vậy, vàng, vốn là nguồn đầu tư được coi là an toàn để chống đỡ với lạm phát, sẽ còn có khả năng tăng giá. Đối với nhiều nhà đầu tư, đây là khả năng khó có thể tránh khỏi, chỉ có điều chưa ai biết chắc chắn thời điểm xảy ra.
Theo một kết quả điều tra ý kiến do tờ nhật báo Phố Wall thực hiện trên 52 nhà kinh tế, suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ kết thúc vào mùa thu năm nay, nhưng nền kinh tế Mỹ sẽ phải mất rất nhiều năm mới hồi phục. Các nhà kinh tế Mỹ cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tăng lên 9,7% vào cuối năm nay, thêm hơn hai triệu người mất việc nữa.
Đối với châu Á, có nhiều góc nhìn khác nhau. Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định đa số các nền kinh tế châu Á sẽ vẫn phải đối mặt với giảm phát trong năm nay. Lý do chính, theo tổ chức này, là sự lao dốc của giá hàng hoá, trong đó có giá lương thực, vốn đóng một vai trò chính trong chỉ số giá cả vì đa số người tiêu dùng nghèo bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá lương thực.
Nhận định của EIU rõ ràng chưa tính đến những yếu tố như ông Rogers tiên đoán, trong đó có sự tăng giá của hàng hoá và lương thực trong thời gian tới.
Nhận định của EIU rõ ràng chưa tính đến những yếu tố như ông Rogers tiên đoán, trong đó có sự tăng giá của hàng hoá và lương thực trong thời gian tới.
Nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang ở trong tình trạng yếu đuối, dễ tổn thương và cũng khó xác định. Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, nhận định về việc giá lương thực có khả năng tăng giá rất đáng chú ý. Chiến lược phát triển lương thực phải đi sát với những diễn biến thị trường để tránh tình trạng khi giá tăng thì không bán mà khi giá xuống mới đổ ra bán như đã xảy ra năm ngoái.