"Đỏ mắt" tìm lao động
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang cần khoảng 150.000 lao động cho các KCN, KCX nhưng hiện thị trường lao động chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Ở Đồng Nai, theo tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ riêng trong tháng 5/2010, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn đã trên 10.000 người, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm hơn 80% nhu cầu. Còn tại Bình Dương thì DN có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 45.000 lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cũng chiếm khoảng 80%.
Trong khi đó dòng vốn đầu tư vẫn đang chảy mạnh vào khu vực Đông Nam Bộ. Tại BR-VT, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án du lịch lớn, đó là Trung tâm hội nghị triển lãm du lịch quốc tế Dragon Sea - Vũng Tàu và khu du lịch nghỉ dưỡng Cantavil - Long Hải có tổng vốn đăng ký hơn 922 triệu USD. Tại Đồng Nai, tính đến cuối tháng 3 năm nay, Đồng Nai có 225 giấy chứng nhận đầu tư trong nước với tổng vốn 132.128 tỷ đồng. Bình Phước cũng đang thu hút đầu tư rất tốt, toàn tỉnh hiện đã có 5 KCN đi vào hoạt động, thu hút trên 80 dự án đầu tư, trong đó có 54 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 302 triệu USD và 769 tỷ đồng. Còn Bình Dương - một trong những tâm điểm của các nhà đầu tư đã đạt kết quả thu hút đầu tư rất cao. Tính đến nay Bình Dương đã có 1.922 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu lao động không thể hóa giải ngay bởi theo lãnh đạo các tỉnh, thành thì quy hoạch phát triển các KCN và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã không gắn liền với chương trình và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động tương ứng với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên thực tế có đến 70 - 80% lao động làm việc trong các KCN, KCX là lao động nhập cư. Trong khi hiện nay, sự chuyển dịch địa bàn phát triển công nghiệp trên cả nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều lao động trở về quê đầu quân cho các KCN, DN "gần nhà" để tiết kiệm chi phí sinh hoạt khiến nhiều DN thiếu lao động trầm trọng.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề Bộ LĐTB-XH Dương Đức Lân nói: "Dù thế mạnh của vùng này là có nhiều cơ sở đào tạo quy mô lớn, chất lượng cao nhưng các tỉnh chưa chủ động "đặt hàng" cho các trường đại học và viện nghiên cứu”. Ông Lân cho biết thêm, hiện Tổng cục đang xây dựng một "bản đồ ngành nghề" theo nhu cầu và đặc trưng của từng vùng kinh tế trọng điểm để đào tạo hiệu quả. Giai đoạn 2011 - 2020 cũng được xác định là giai đoạn then chốt của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để các vùng kinh tế bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt tầm khu vực và quốc tế. Từ nay đến 2020, dự định phát triển thêm 15 trường cao đẳng nghề chất lượng quốc tế và 25 trường trung cấp nghề theo chuẩn khu vực ASEAN. Nhiều nguồn vốn khả thi sẽ được huy động để thực hiện các dự án này một cách hiệu quả". Ông Lân cũng khẳng định, giai đoạn 2011 - 2020 sẽ ưu tiên hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động từ đơn vị đào tạo, người sử dụng và người lao động.