Doanh nghiệp Bắc Ninh tính đón cơ hội từ Samsung thế nào?
Tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh mới đây đã “đánh tiếng” về việc sẽ sử dụng linh phụ kiện từ các nhà sản xuất vừa và nhỏ trong nước nếu đáp ứng được các yêu cầu.
Với vị thế “nhất cự ly”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bắc Ninh, nơi Samsung đặt nhà máy nhìn nhận cơ hội này thế nào?
Câu hỏi này đã được đặt ra với ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hanaka, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh. Hanaka từ lâu đã là nhà sản xuất các sản phẩm công nghiệp điện có tiếng ở miền Bắc và trước kế hoạch mới của Samsung, ông Mẫn Ngọc Anh tỏ ra khá hào hứng.
Theo ông, cơ hội lớn đang mở ra từ việc Việt Nam có thể gia nhập Hiệp định TPP trong thời gian tới, theo đó nhiều nhà đầu tư quốc tế đã và đang tìm đến Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng như trường hợp Samsung, đến nay đã đăng ký đầu tư tổng cộng 8 tỷ USD.
“Đó là cơ hội để các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp làng nghề Bắc Ninh tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Có thể nói đây là lúc để các doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh nắm lấy vai trò của mình, thể hiện vị trí của mình, cùng liên kết tạo ra sức mạnh để trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như Samsung, Microsoft, Nokia…”, ông nói.
Với tư cách là người đứng đầu Hội Doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh, ông Mẫn Ngọc Anh cho hay các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp Bắc Ninh tiếp cận và trở thành một phần trong chuỗi sản xuất của Samsung đã được chuẩn bị.
Cụ thể, Hội đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn cho mời những chuyên gia hàng đầu về kinh tế về Bắc Ninh tham dự các hội nghị, hội thảo để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cũng như các phương thức ứng dụng để có thể trở thành nhà cung cấp phù hợp cho các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, Hội cũng tăng cường quảng bá giới thiệu các sản phẩm, các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, các thế mạnh của các doanh nghiệp Bắc Ninh với các tập đoàn đa quốc gia, qua đó muốn tạo ra sự chia sẻ và gắn kết thành công giữa các bên, từ đó đi tới những hợp tác cụ thể.
Đồng thời, qua các hoạt động này, Hội cũng sẽ nắm bắt và kiến nghị các sở ban ngành có những hoạt động cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, doanh nhân này cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, điều mà ông cảm thấy tỉnh Bắc Ninh cũng đang tích cực tạo ra các cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp để nắm lấy cơ hội này.
Theo GS. Nguyễn Mại, một người thường xuyên tham gia các diễn đàn về công nghiệp phụ trợ gần đây thì các doanh nghiệp Bắc Ninh đang có nhiều lợi thế hơn nhiều địa phương khác trong việc làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung, do vậy cần chủ động tham gia kế hoạch hợp tác giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang triển khai với tập đoàn này.
Hồi tháng 9/2014, một hội thảo và triển lãm các linh kiện, phụ kiện mà Samsung cần sản xuất tại Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, qua đó đã có hơn 50 doanh nghiệp trực tiếp trao đổi với đại diện của Samsung tại hội thảo; và GS. Nguyễn Mại đang hy vọng sẽ có 15- 20 doanh nghiệp tham gia sản xuất linh, phụ kiện cho Samsung.
“Hiện có 93 xí nghiệp phụ trợ của Samsung thì 86 là doanh nghiệp có vốn FDI, chỉ có 7 doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Samsung để từng bước xây dựng hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ta cho tập đoàn này, hình thành mô hình thí điểm là phương thức thích hợp trong bối cảnh hiện nay”, ông Mại nói.\
Trao đổi với VnEconomy mới đây, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Complex nói ông "cảm thấy nhiều tín hiệu rất đáng mừng khi chính phủ Việt nam đã chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ về mở rộng hỗ trợ về thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực công nghệ cao, đưa ra các chính sách ưu đãi như thuê đất và vay vốn đầu tư…".
Theo ông Shim Won Hwan, đây sẽ là đòn bẩy vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp phụ trợ vì hiện nay ở Việt Nam, trên thực tế công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử còn tương đối lạc hậu.
"Ngay tại Samsung, ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì cho chúng tôi. Do đó, chúng ta bắt buộc phải phát triển ngành công nghiệp sản xuất/ chế tạo có sức cạnh tranh", ông nói.