Doanh nghiệp cần có chính sách giữ lao động

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề của Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi về vấn đề lao động, việc làm trong tình hình hiện nay.

PV: Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội rất băn khoăn về tình hình lao động mất việc hiện nay. Mục tiêu của các gói kích cầu là tạo ra việc làm cho xã hội?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Mục tiêu của gói kích cầu là giúp doanh nghiệp được vay thêm vốn để đầu tư vào ngành nghề mới, tháo gỡ khó khăn, thay đổi công nghệ sản xuất phát triển sản xuất, giữ người lao động ở lại với doanh nghiệp.

Chính phủ cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để trả nợ tiền lương cho người lao động, đóng bảo hiểm và thực hiện chính sách tăng thêm vốn lưu động đầu tư cho sản xuất.

Điều chúng ta cần quan tâm là thu nhập của người lao động giảm sút. Dù có tìm được việc làm mà thu nhập vẫn không đảm bảo được như lúc đầu thì bản thân người lao động cũng rất khó khăn.

Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta (lao động từ nông thôn ra đô thị kiếm việc làm). Bây giờ mất việc ở thành phố, họ quay về nông thôn vẫn có thể kiếm được việc làm, thế nhưng thu nhập của họ sẽ không bằng công việc trước đó nữa.

PV: Thưa ông, thống kê số lao động có việc làm là việc rất quan trọng để đưa ra các chính sách phù hợp. Theo một số đại biểu Quốc hội, dường như công tác thống kê của chúng ta vẫn là áng chừng cho nên khó đánh giá được tác động của các gói chính sách?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng rất băn khoăn về các con số thống kê hiện nay. Cho đến giờ chúng ta có thể khẳng định là công tác thống kê còn yếu kém.

Con số thống kê đưa ra dựa vào nhiều cách dự đoán. Thứ nhất là tổng hợp từ báo cáo của các địa phương. Thứ hai là dựa vào con số tăng trưởng và suy giảm (cứ 1% của GDP thì tương ứng với một con số nhất định về lao động). Phương pháp này chỉ mang tính dự báo chứ không đưa ra được con số chính xác. Chúng ta không đưa ra được con số lao động thất nghiệp hay có việc làm chính xác thì không biết sẽ cần rót bao nhiêu tiền để kích cầu. Con số thống kê, nắm số liệu không đáp ứng được yêu cầu quản lý do đó ảnh hưởng tới việc đưa ra các chính sách.

Như ở TP. Hồ Chí Minh năm 2008 ước tính có khoảng 250.000 lao động thiếu việc làm nhưng điều tra lại thì không phải như vậy. Bởi lẽ, những người mất việc đã tìm được việc khác.

Chỉ khi nào chúng ta thực hiện tốt bảo hiểm thất nghiệp (người lao động tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp mua bảo hiểm cho người lao động) thì mới nắm được chính xác số lao động có việc hay mất việc làm (khi họ thất nghiệp sẽ quay trở lại báo cáo với cơ quan Nhà nước để được hưởng chính sách về thất nghiệp). Chính vì lẽ đó nên chúng ta phải sớm thực hiện Luật bảo hiểm thất nghiệp.

PV: Ông vừa đề cập Luật Bảo hiểm thất nghiệp. Luật này có hiệu lực vào đúng thời điểm kinh tế suy thoái nên doanh nghiệp và người lao động cũng rất khó khăn khi tham gia đóng bảo hiểm. Liệu rằng, mục tiêu đặt ra cho quỹ bảo hiểm này sớm đi vào hoạt động có quá chủ quan hay không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Luật Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2009.

Theo qui định của luật, người lao động phải nộp quỹ sau 12 tháng mới được hưởng chính sách đó. Cho nên, năm 2009 chính sách bảo hiểm thất nghiệp không tác động gì đến người lao động. Họ vẫn phải chịu đựng vì bây giờ người lao động mới bắt đầu nộp.

Bên cạnh đó, số lượng người tham gia và doanh nghiệp tham gia cũng sẽ giảm đi. Chắc chắn mục tiêu đặt ra sẽ không đạt được.

PV: Vậy trong lúc khó khăn như thế này, doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Các doanh nghiệp nên có chính sách giữ được người lao động để khi kinh tế hồi phục thì không phải tuyển những lao động bỡ ngỡ với công việc. Trong lúc khó khăn này, doanh nghiệp và người lao động cần có sự tương trợ nhau. Có thể người lao động phải chấp nhận một thực trạng là giảm bớt giờ làm, nghỉ luân phiên, mức thu nhập có thể thấp hơn.

Doanh nghiệp có thể giữ lao động ở lại bằng cách chấp nhận thoả thuận về các chế độ, chính sách và vẫn tham gia bảo hiểm ở doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nên thanh toán một lần hay giải quyết cho người ta thôi việc. Cho phép lao động giãn thời gian làm việc ở công ty mình để đi làm việc ở nơi khác.

PV: Hiện nay có tình trạng, doanh nghiệp không tuyên bố cắt hợp đồng với người lao động mà bố trí công việc ít đi, người lao động cảm thấy “khó chịu” thì bỏ. Như vậy, họ không được bất kỳ quyền lợi nào. Uỷ ban có kiến nghị gì về vấn đề này không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tình trạng này hiện nay chưa phổ biến, nhưng lác đác đã xảy ra ở một vài doanh nghiệp.

Tôi vẫn cảnh báo là các doanh nghiệp phải cố gắng giữ người lao động. Bản thân người lao động cũng phải thông cảm với doanh nghiệp, rất bình tĩnh trong lúc này.

Nhìn chung, đến bây giờ việc quan trọng nhất là phải tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tập trung cho các dự án thâm dụng lao động và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu.

PV: Hiện nay, nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài do suy thoái kinh tế nên đã quay về nước. Điều này có làm tăng thêm gánh nặng lao động trong nước hay không, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Việt Nam có khoảng 500.000 lao động làm việc ở 40 quốc gia trên thế giới. Đánh giá của Chính phủ là khả năng nguồn kiều hối gửi về nước giảm đi, do kiều bào ở nước ngoài gặp khó khăn và lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo số lao động trở về nước khoảng 3.000.  Đây là hiện tượng rất bình thường. Vì cũng giống như ở Việt Nam, khi kinh tế bị suy giảm thì doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không đưa được người ra nước ngoài nhiều như trước đây nhưng vẫn có lao động được đưa đi. Việc có về, có đi là chuyện bình thường. Thị trường xuất khẩu lao động không phải là đóng băng. Nhiều thị trường rất phát triển, cần lao động, ví dụ như Trung Đông.

PV: Xin cảm ơn ông!./.