Doanh nghiệp Nhật lạc quan khi làm ăn tại châu Á

Doanh nghiệp Nhật lạc quan khi làm ăn tại châu Á

Cuộc điều tra do Jetro thực hiện với 2.990 công ty trong khoảng thời gian từ tháng 9-10/2009 tại Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan), các nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanma, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Tây Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri-Lanka) và châu Đại Dương (Úc, New Zealand).

Khủng hoảng vẫn tăng trưởng dương

Theo kết quả điều tra, 56,4% các doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng đạt lợi nhuận kinh doanh năm 2009, giảm 8,9% so với cuộc điều tra năm trước (thực hiện trong năm 2008 và nhận được 2.524 phản hồi); tỷ lệ các doanh nghiệp dự đoán sẽ bị thua lỗ trong năm 2009 là 23,7%.

Kết quả điều tra cũng cho thấy những tỷ lệ lợi nhuận năm 2009 thấp hơn ở các nước đang phát triển, ví dụ như Ấn Độ và Việt Nam bởi vì nhiều công ty Nhật Bản ở những nước này đều là những công ty mới được thành lập (hầu hết là sau năm 2005), và hiệu quả hoạt động của những công ty này có xu hướng không ổn định và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như lạm phát và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2010, các doanh nghiệp tại các nước/vùng được điều tra đều có quan điểm lạc quan hơn (so với dự đoán cho năm 2009), đặc biệt là tại Thái Lan, Singapore và Malaysia, những nước bi quan nhất về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2009. Các doanh nghiệp đều hy vọng rằng “doanh số bán hàng sẽ tăng lên ở thị trường nội địa” (68%), đặc biệt là tại Ấn Độ, Hàn Quốc, và Thái Lan thì tỷ lệ là 80%. Trong khi đó kỳ vọng về “doanh số bán hàng tăng lên do mở rộng thị trường xuất khẩu” là câu trả lời phổ biến tại các nước Philippine, Singapore và Malaysia.

Đối phó với khủng hoảng bằng cơ cấu lại sản xuất, bán hàng

Theo kết quả điều tra, 86.9% các doanh nghiệp được hỏi đều thấy bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hồng Kông, Singapore và Thái Lan. Cuộc điều tra cũng cho biết một vài ngành tương đối miễn dịch với cuộc suy thoái, như dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp và hải sản chế biến.

Khi được hỏi là khi nào doanh số bán hàng ra khỏi đáy, gần 60% doanh nghiệp trả lời là vào nửa đầu của năm 2009. Hỏi về các biện pháp đối phó trong năm vừa qua (câu trả lời với nhiều lựa chọn) thì các doanh nghiệp chủ yếu chọn “điều chỉnh lao động” (45,6%), “giảm chi phí bằng cách tăng hiệu quả sản xuất và bán hàng” (45,2%) và “hủy hoặc hoãn đầu tư mới hoặc tăng đầu tư” (41,9%); chỉ có 4,9% trả lời là “đóng cửa hoặc rút khỏi hoạt động”.

Kết quả điều tra cũng cho thấy trong khi gần 40% các doanh nghiệp trả lời là đã cắt giảm lao động địa phương (cả lao động thường xuyên và lao động tạm thời) từ tháng 9/2008, thì tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch tăng nhân viên vào năm 2010 cao hơn tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch giảm nhân viên.

Tương tự như vậy thì tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch giảm nhân viên người Nhật tại cơ sở hoạt động của mình cao hơn tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch tăng sử dụng nhân viên người Nhật. Điều này cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí lao động và nội địa hóa việc quản lý. Ấn Độ là một trường hợp ngoại lệ ở đây với số doanh nghiệp tại nước này có ý định tăng nhân viên, phản ánh sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ.

Đa số doanh nghiệp đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh

Đối phó lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ các doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh vào một hoặc hai năm tới chỉ giảm 5,9% (từ cuộc điều tra năm trước) xuống 51,3%.

Các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Ấn Độ - đặc biệt là trong lĩnh vực bán hàng và thương mại – tỏ rõ xu hướng mở rộng kinh doanh, phản ánh kỳ vọng cao đối với việc tăng trưởng nhu cầu trong nước tại các nước này. Tương tự như vậy, các hãng trong lĩnh vực xe cơ giới, linh kiện và phụ tùng ô tô tại các nước này đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh để đối phó với việc cơ giới hóa ngày càng cao và sự gia tăng trong việc thu mua linh kiện, phụ tùng trong nước giữa các nhà sản xuất ô tô.

Về kế hoạch kinh doanh trong một, hai năm tới, các doanh nghiệp tại Trung Quốc có tỷ lệ trả lời tương đối cao về kế hoạch “phát triển thị trường mới (mở rộng mạng lưới kinh doanh/bán hàng)” và “đẩy mạnh các chức năng lập kế hoạch, nghiên cứu-phát triển và thiết kế”, trong khi tại Ấn Độ, các doanh nghiệp có tỷ lệ trả lời cao về kế hoạch “mở rộng quy mô kinh doanh hiện tại qua việc đầu tư thêm.”