Doanh nghiệp trong nước: Thị trường lớn của KCX

Doanh nghiệp trong nước: Thị trường lớn của KCX

Cũng tương tự như thực trạng doanh nghiệp (DN) nội địa bán hàng vào KCX, hiện các DN chế xuất bán hàng vào thị trường nội địa rất hạn chế.

Trong năm 2008, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường nội địa của các DN chế xuất chỉ đạt gần 20 triệu USD, chưa bằng 1% so với kim ngạch xuất khẩu sang các nước. Trong 09 tháng đầu năm 2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới, doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường nội địa, nhưng doanh số chỉ đạt 26 triệu USD (khoảng 2%) so với kim ngạch xuất khẩu ra nước ngoài.

Cầu chưa gặp cung


Từ năm 2000, các DN chế xuất bắt đầu bán hàng vào nội địa theo hình thức xuất khẩu tại chỗ. Đến nay, sau 9 năm thực hiện, chỉ một số mặt hàng tiêu dùng như may mặc, ống nhựa, giấy dán tường, bút chì, bao bì giấy... vào được thị trường nội địa. Chủ trương của UBND TPHCM là khuyến khích DN VN gắn kết với DN KCX, sử dụng nguyên liệu bán thành phẩm của các DN KCX để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cao; thông qua các DN KCX từng bước nâng cao trình độ công nghệ của các DN nội địa.

Hiện nay, đa số các DN trong KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung là DN của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... và phần nhiều trong đó sản xuất các mặt hàng linh kiện điện tử, vi mạch, có thể nói đó là nguồn cung ứng  dồi dào cho các DN trong nước.

Vì sao DN VN chưa tiếp cận được nguồn hàng này? Theo các DN, nguyên nhân: thứ nhất, các công ty trong KCX thường giao hàng theo sự chỉ định của công ty mẹ từ nước ngoài; thứ hai: do sản phẩm của các DN trong nội địa chưa tương thích để có thể gắn kết với các linh kiện, bán thành phẩm của các DN chế xuất để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Riêng về lĩnh vực sản xuất xe hơi, máy vi tính... (DN chế xuất thường cung cấp linh kiện cho các ngành sản xuất này), qui mô sản xuất của các DN trong nước rất nhỏ, chưa được các DN chế xuất quan tâm.

Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi hạn chế còn nhiều lý do khác. Một DN gốm sứ ở KCX Tân Thuận cho biết công ty này không bán hàng ra nội địa một phần vì đơn hàng bán ra nội địa nhỏ, các DN mua hàng luôn kéo dài thời gian thanh toán, gây phiền hà cho công ty, một phần vì phải tốn nhiều thời gian cho thủ tục xuất nhập khẩu. Trước đây, khi xuất hàng vào nội địa, chỉ có bên mua (trong trường hợp này là DN ngoài KCX) mở tờ khai hải quan nhưng hiện nay, quy định bắt buộc cả hai bên đều phải mở tờ khai, nên các DN KCX ít quan tâm đối với cho những đơn hàng nhỏ.

Làm sao để khai thác “thị trường lớn”?


Trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm và áp lực cạnh tranh trong “thế giới phẳng” gia tăng, nhiều DN chế xuất đã xem xét đến kế hoạch tiếp cận, mở rộng bán hàng ra thị trường VN. Chẳng hạn, Công ty Thuận Xương chuyên về các sản phẩm ống nhựa nhãn hiệu Shuenchang PVC đã bán đến 80% lượng hàng cho thị trường nội địa và đang lên kế hoạch đẩy mạnh phát triển thương hiệu tại thị trường VN thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu tại TPHCM và các tỉnh.

Riêng với mặt hàng linh kiện điện tử, vai trò chủ động lại thuộc về các DN trong nước. Một công chức thuộc phòng Xuất nhập khẩu Ban quản lý KCX – KCN TPHCM (Hepza) cho rằng, để thu hút được hàng hóa, linh kiện chất lượng cao từ KCX, DN trong nước phải nhanh chóng “lớn lên”, phát triển công nghệ - trình độ sản xuất thông qua các hoạt động học tập, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển; đồng thời phấn đấu trở thành một bộ phận trong dây chuyền sản xuất, phân phối toàn cầu của những tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.